Hai năm về trước, hình ảnh chàng thanh niên gầy gò đeo cặp kính cận xách túi đi chợ, lựa từng mớ rau, con cá đã trở nên quen thuộc với những người hàng xóm của Bùi Lý Tiến Nguyên. Để rồi hai năm sau, khi tròn 24 tuổi, từ những mớ rau, con cá ấy, cùng bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, Nguyên thu về vài ngàn USD mỗi tháng. Những thương hiệu đình đám tại Việt Nam về bánh trung thu, nước mắm, fastfood, mì ăn liền… cũng là khách hàng thường xuyên của cậu thanh niên 24 tuổi này.
Bùi Lý Tiến Nguyên sinh năm 1990. Năm 2012, khi đang là sinh viên khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Đại học Bách khoa TP.HCM, Nguyên rẽ ngang sang nghề “quay cuồng với đồ ăn”. Ban đầu, vì đam mê, Nguyên chỉ chia sẻ hình ảnh các món ăn ngon lên mạng xã hội. “Người ta thích đồ ăn ngon, mình thích đồ ăn đẹp, nên học làm food stylist”, anh chia sẻ về lối rẽ của mình.
Công việc của food stylist là làm đẹp, kiểm soát thực phẩm để người chụp ảnh có thể chớp được những khoảnh khắc đẹp nhất. Ảnh: NVCC. |
"Nhiều người nghĩ công việc của food stylist chỉ đơn giản là chọn thực phẩm rau củ, sắp xếp các món ăn sao cho đẹp nhất khi lên ảnh, clip. Nhưng đây là suy nghĩ sai lầm", Nguyên nói. Muốn giỏi, ngoài đam mê, người làm cần phải có kỹ năng làm bếp. Đến với nghề make up cho các món ăn khi chưa có bất cứ một kiến thức nào về thực phẩm, tự tay Nguyên phải chọn, sắp xếp thật thành thục. Có ý định học nghề từ một số người đi trước, nhưng không được, nên Nguyên mày mò tự tìm hiểu. Những lần vứt bỏ đồ ăn không đếm xuể. Thất bại thảm hại, nhưng chưa bao giờ anh thôi ý định kiếm tiền bằng nghề làm đẹp cho các món ăn.
Công việc của một stylist cho đồ ăn đòi hỏi tính sáng tạo cũng như óc tổ chức, sắp xếp và con mắt thẩm mỹ. Khi một đĩa thức ăn, một cái bánh, cốc nước hay bát mì khi lên hình, ảnh cần có những yếu tố gì để trông ngon mắt nhất, khiến người tiêu dùng phải phát thèm và mở ví một cách hài lòng... là những thứ mà food stylist cần làm được. Điều đó đòi hỏi sự chuyên nghiệp toàn diện của cả ê-kíp quảng cáo, mà phần việc cơ bản nhất là của người chuyên làm đẹp cho đồ ăn.
Về điểm này, Nguyên cho hay anh bị thiệt thòi do không phải làm bếp từ nhỏ. Nghiệp "trang điểm" đồ ăn đến tự nhiên, từ đam mê và sở thích nên còn tương đối bỡ ngỡ. "Một chiếc bánh mì nướng bao nhiêu thì đủ độ, làm thế nào cho sản phẩm bóng đẹp, tạo cảm giác nhìn là muốn ăn, khi nào sẽ cho gia vị, mắm vào nồi đang nấu, xử lý để kem không tan chảy dưới ánh đèn... là những kiến thức mà người làm stylist cho thức ăn cần phải nắm được. Những thứ đó sẽ đơn giản với đầu bếp hay người được đào tạo bài bản, với tay ngang như mình thì không", tiết lộ của Bùi Lý Tiến Nguyên.
Chia sẻ với Zing.vn, Nguyên nói, ở thị trường TP.HCM hiện tại có khoảng 4-5 food stylist tên tuổi. Đội của anh, với 4 thành viên gồm một stylist, một nhà sản xuất, một nhiếp ảnh gia và một trợ lý, cùng sự phối hợp ăn ý, đã thổi hồn cho hàng ngàn món ăn được quảng cáo trên truyền hình trong suốt hơn một năm qua. Miếng pizza ngon lành, bắt mắt, cốc nước mát lạnh hay những chiếc bánh trung thu màu vàng cánh gián bóng đẹp… khi xuất hiện trên các chương trình quảng cáo hay vỏ hộp, đều là sản phẩm của cả một ê-kíp.
Một trong những bức ảnh do ê-kíp của Bùi Lý Tiến Nguyên thực hiện đã đoạt giải phụ một cuộc thi quốc tế. Thực chất, chụp kem không dễ vì sẽ tan chảy dưới ánh đèn. Do đó, giải pháp của các foodstylist là tạo ra... kem giả nhìn như thật. Ảnh: Wing Chan. |
Nguyên kể, khách hàng đầu tiên là Pepsi, với một nhãn hàng riêng của thương hiệu này trong năm 2011. Sau đó, những công ty chuyên làm quảng cáo cho các nhãn hàng đình đám ở Việt Nam như Chinsu Food, Vifon, AFC, Knorr… cũng tìm đến Bùi Lý Tiến Nguyên và các cộng sự. Họ gửi gắm niềm tin vào kỹ năng “trang điểm” đồ ăn của Nguyên cũng như việc chụp ảnh, tổ chức sản xuất của 3 thành viên còn lại. Sau những khó khăn bước đầu, khoảng một năm nay, các đơn hàng đã đều đặn hơn, đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên trong nhóm.
Giá một hợp đồng “make up” cho các món ăn có mức sàn khoảng trên dưới 1.000 USD. Cũng có những dự án đặc biệt, chỉ riêng nhóm “trang điểm” cho đồ ăn đã được trả 7.000 USD, tương đương hơn 140 triệu đồng. Đây cũng là dự án lớn nhất trong hơn hai năm bước vào nghề food stylist của Bùi Lý Tiến Nguyên và các cộng sự. Tuy nhiên, vì làm nghề tự do nên thu nhập cũng có lên xuống thất thường chứ không ổn định ở một mức cụ thể, Nguyên cho biết. “Làm stylist cho đồ ăn chỉ là một trong những bước nhỏ trong việc thực hiện TVC quảng cáo. Khi đã có món ăn được sắp xếp ngon và đẹp, công việc còn lại là của các ê-kíp khác”, anh nói.
Chuyên gia “trang điểm” đồ ăn hé lộ, mơ ước của anh là mở được một công ty chuyên về food stylist theo hướng chuyên nghiệp ở Việt Nam. “Ở Việt Nam, food stylist không phải là nghề quá mới lạ, nhưng vẫn có sức hút đối với nhiều người, vì nghề này thực sự rất thú vị”, Nguyên chia sẻ.