Sinh trưởng trong một gia đình làm nông tại làng quê nghèo khó thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, nhiếp ảnh gia Trần Bích chia sẻ về tuổi thơ khó khăn của mình. Hầu như suốt cả mùa gặt, để có gạo ăn, mẹ ông phải bưng thúng đi mót lại những hạt lúa rơi vãi ngoài đồng về nuôi con. Còn nghề chính của cha ông là vào rừng đốn củi. Một quả trứng vịt, anh em ông pha loãng, kho với muối mặn để ăn trong 2 ngày, đôi dép chỉ khi nào đến trường mới được mang vì sợ đứt quai. Quần áo cũng chỉ có vỏn vẹn 2 bộ mặc rách thì lại vá.
Nhiếp ảnh gia Trần Bích. Ảnh NVCC. |
Thấm thía nỗi khổ con nhà nghèo, sau khi đất nước hòa bình, ông Bích quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp, làm đủ thứ nghề. Trong những ngày làm thuê cho một công ty liên doanh, ông học được nghề sản xuất các mặt hàng chuyên dùng cho nhà hàng, khách sạn. Bỏ thời gian 2 năm làm thợ để thành thục nghề, năm 1988, ông dồn hết vốn liếng tích cóp được 10 triệu đồng, huy động khoảng chục người nhà làm công, mở cơ sở sản xuất các loại mặt hàng này.
Thời gian đó, để làm thương hiệu và thu hút khách hàng, các nhà hàng khách sạn hạng sang ở Sài Gòn thường nhập các loại đồ dùng riêng phục vụ cho khách từ bàn chải đánh răng, dầu gội đầu, xà bông tắm, khăn tắm, dép đi trong nhà… đến menu, sổ vàng, bút, biểu mẫu, bao thư, móc khóa… Đồ dùng xịn, đẹp, sành điệu chứng tỏ đẳng cấp tương xứng của nhà hàng, khách sạn.
Lựa chọn hướng đi riêng biệt và thức thời giúp xưởng sản xuất của ông Bích ngày càng ăn nên làm ra. Thời gian ngắn sau đó, ông nâng cấp xưởng thành doanh nghiệp tư nhân, hiện nay là công ty TNHH sản xuất thương mại Trần Bích. Vẫn kiên trì với hướng đi từ những ngày đầu, cập nhật thêm những đồ dùng thời thượng từ hàng bình dân tới sành điệu, công ty đã có chỗ đứng trên thị trường 25 năm nay.
Thế nhưng, ông Bích không mở rộng quy mô công ty, phát triển thêm những hướng kinh doanh mới mà rẽ sang con đường khác hẳn. Chỉ vì một lần nhìn thấy đầm sen đẹp, vị doanh nhân mải mê ngắm, rồi yêu và quyết định bỏ nghiệp kinh doanh để dành thời gian ngắm sen, chụp sen, làm triển lãm và lấy tiền bán ảnh sen làm từ thiện.
Ở tuổi gần 70, nhiếp ảnh gia Trần Bích vẫn sẵn sàng ngụp lặn tại các hồ sen để sáng tác nghệ thuật. Ảnh NVCC. |
“Đầu tháng 3/2009 nhân dịp đi ngang qua mũi Kê Gà (Hải Đăng Kê Gà, Bình Thuận) gặp một ao sen dọc bên đường đẹp quá, tôi nhảy xuống chụp lia, chụp lịa tối về xem lại thấy đẹp quá, và hôm sau lại đi tiếp và cứ thế cho đến bây giờ. Nghĩ lại mà giật mình, tôi đã yêu sen và có duyên với sen từ đó. Tôi không còn nghĩ gì về tiền bạc nữa, giao lại công ty cho hai con quản lý”, ông tâm sự.
Từ tháng 9/2009 đến nay, nhiếp ảnh gia Trần Bích đã tổ chức 19 triển lãm ảnh hoa sen với hơn 1.200 bức ảnh, số ảnh bán ra lên tới 830 tấm, trong đó có những ảnh được khách mua với giá rất cao như bức ảnh Bừng Sáng 250 triệu đồng, Đời Sen 100 triệu đồng, Lòng Mẹ 70 triệu đồng và nhiều ảnh bán với giá 20 triệu đồng, còn lại giá trung bình là 3 triệu đồng/ tấm. Số tiền gần 3 tỷ thu về từ triển lãm được nhiếp ảnh gia dành toàn bộ để quyên góp từ thiện.
Ông chia sẻ, vẻ đẹp của sen là vẻ đẹp thánh thiện, hồn hậu, trong sáng nên ông muốn số tiền thu về từ việc chụp lại vẻ đẹp của sen sẽ được sử dụng vào mục đích tốt đẹp nhất. Đồng thời, làm việc thiện cũng là cách giúp ông cảm ơn những người ở các vùng quê từng cưu mang, giúp đỡ mình, cảm ơn đời đã cho ông một cuộc sống tốt.
Bộ 3 bức ảnh được giá nhất: Bừng Sáng 250 triệu đồng, Đời Sen 100 triệu đồng, Lòng Mẹ 70 triệu đồng, được ông lấy tiền làm từ thiện. Ảnh NVCC |
5 năm chuyên chỉ chụp sen, nhiếp ảnh gia Trần Bích từng đi khắp các vùng miền cả nước để săn tìm những đóa hoa, đầm hoa đẹp, lạ nhất, và cả những hình ảnh người dân lao động, kiếm sống nhờ những sản phẩm từ sen. Theo ông, sen ở mỗi vùng đều có vẻ đẹp riêng nhưng từ Quãng Ngãi trở ra Bắc là đẹp nhất vì nét đẹp cứng cáp, đường gân nổi bật. Sen miền Bắc đẹp nhưng lại có theo mùa trong khi sen miền Nam thì có quanh năm. Loài sen nhiếp ảnh gia mê nhất là sen ở Phan Thiết, Bình Thuận với màu sắc đậm đà, sức sống khỏe.
Bên cạnh việc chụp sen, nhiếp ảnh gia Trần Bích cũng đam mê lột tả vẻ đẹp của người lao động kiếm sống nhờ sen. |
Đầy mình kinh nghiệm ngụp lặn khắp các hồ sen nông sâu, to nhỏ trên cả nước nhưng ông còn nhớ mãi lần vì quá mải mê chụp sen, quên giờ giấc nên ông cứ thế tiến sâu vào đầm sen rộng tới 40.000m2 tại Quảng Ngãi cho tới khi quá mệt, ngủ thiếp đi trên sàn một chòi tre trong đầm.
Trong giấc ngủ, ông nghe thấy nhiều tiếng kêu tên mình, giật mình mở mắt ra thì thấy xung quanh có mọi người đang nhìn mình đầy lo lắng. Hóa ra vì sau nhiều tiếng không thấy ông trở lại điểm hẹn, mọi người lo ông có chuyện giữa đầm sen rộng tới 4 hecta nên hốt hoảng bủa đi tìm.
Sen Phan Thiết, Bình Thuận được ông yêu nhất. |
Tháng 10/2011, nhiếp ảnh gia Trần Bích được trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập 2 kỷ lục Việt Nam: Người chụp được những bức ảnh hoa sen kỳ lạ nhất và Người có nhiều cuộc triển lãm về ảnh hoa sen nhất.
Ông tiết lộ, suốt gần 5 năm, trong hàng ngàn khách mua ảnh, ông ấn tượng nhất với chủ một doanh nghiệp tiếng tăm tại Sài Gòn. Trong một lần tham dự triển lãm của ông, anh này đã bật khóc khi nhìn vào bức ảnh sen chủ đề Lòng Mẹ. Sau đó, nghe doanh nhân trẻ này chia sẻ, ông mới biết rằng trước kia khi anh còn nhỏ, do gia cảnh nghèo khó nên cũng từng phải ăn sen hay cơm. Từ hạt sen, ngó sen cho tới lá sen non đều là thức ăn nuôi lớn anh, cho anh có ngày thành đạt. Có những khách mua ảnh, những người tri kỷ như vậy, nhiếp ảnh gia Trần Bích tự thấy hoạt động sáng tác của mình càng thêm nhiều ý nghĩa.