Vào ngày 25/8, cơ quan điều hành nhà máy hạt nhân Fukushima đã công bố kế hoạch xây dựng đường hầm dưới nước, sau khi chính phủ Nhật Bản đưa quyết định thải lượng nước nhiễm xạ của hai năm qua vào tháng 4, theo Guardian.
Nhật Bản cho biết trước khi được thải ra, nước từ nhà máy này sẽ được xử lý và loại bỏ phóng xạ.
Tuy nhiên, quyết định của chính phủ nước này vào tháng 4 đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các nước láng giềng. Bên cạnh đó, cộng đồng ngư dân Nhật lo ngại rằng động thái này sẽ khiến người dân nghi ngờ về độ an toàn của hải sản.
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết đường hầm sẽ được triển khai xây dựng vào tháng 3/2022, sau khi họ đã nghiên cứu độ khả thi của dự án này và nhận được sự cho phép của chính quyền.
Ngư dân Nhật Bản lo sợ rằng nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima sẽ khiến người dân nghi ngờ về độ an toàn của hải sản. Ảnh: Kyodo. |
Theo kế hoạch, đường hầm này cho đường kính 2,5 m, dài 1 km trải từ bể chứa của nhà máy Fukushima đến Thái Bình Dương.
Các bể ở nhà máy hạt nhân này hiện chứa 1,27 triệu tấn nước đã qua xử lý, trong đó có nước được dùng để làm mát nhà máy, nước mưa và nước ngầm.
Ông Akira Ono, quản lý nhà máy Fukushima, cho biết việc thải bằng đường hầm dưới nước sẽ ngăn lượng nước này trôi vào bờ.
"Chúng tôi sẽ giải thích rõ ràng các chính sách và biện pháp bảo đảm an toàn, để các ngư dân có thể yên tâm", ông Ono nói với phóng viên.
TEPCO cho biết sẽ sẵn sàng đền bù thiệt hại có liên quan đến việc thải nước từ nhà máy hạt nhân Fukushima. Bên cạnh đó, công ty này chấp nhận sự thanh tra từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga nói rằng việc thải nước nhiễm xạ đã qua xử lý là một "nhiệm vụ tất yếu" trong quá trình ngừng hoạt động nhà máy hạt nhân Fukushima.
Các chuyên gia nói con người chỉ gặp nguy hiểm khi tiếp xúc với một lượng lớn phóng xạ. Bên cạnh đó, họ cho rằng nước nhiễm xạ đã qua xử lý sẽ không mang nguy cơ tiềm ẩn nào.