Ngày 13/4, chính phủ Nhật Bản phê duyệt quyết định xả thải hơn 1 triệu tấn nước bị ô nhiễm tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi xuống biển. Quá trình xả thải sẽ kéo dài trong vòng 2 năm, theo Nikkei Asia.
Trung Quốc và Hàn Quốc phản đối kịch liệt quyết định này. Bộ Ngoại giao hai nước kêu gọi Nhật Bản "hành động một cách có trách nhiệm".
Đồng thời, việc xả thải cũng giáng một đòn mạnh vào ngành đánh bắt hải sản tại Fukushima. Kanji Tachiya, ngư dân địa phương, cho biết chính quyền đã phá vỡ lời hứa không xả thải nếu thiếu sự ủng hộ của ngư dân.
Công nhân trước bể chứa nước phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ảnh: Reuters. |
Quyết định của chính phủ Nhật Bản sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng vào hải sản được đánh bắt tại khu vực này.
Tổ chức Greenpeace Nhật Bản cũng lên án mạnh mẽ việc xả thải, nhấn mạnh điều này đi ngược lại lợi ích người dân Fukushima, Nhật Bản và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Công ty điện lực Tokyo cho biết nỗ lực ngừng hoạt động nhà máy sẽ khó đạt được nếu phải tiếp tục xây thêm bể chứa.
Theo Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, đây là lựa chọn không thể tránh khỏi nhằm phục hồi khu vực nhà máy. Quy trình xả thải sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn được thiết lập.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ủng hộ quyết định của Nhật Bản. Cơ quan này chỉ ra rằng các nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới đều sử dụng quy trình tương tự để xử lý nước thải.
Michiaki Kai, chuyên gia đánh giá nguy cơ bức xạ tại Đại học Khoa học Y tế và Điều dưỡng Oita, cho biết tác động của việc xả thải đến sức khỏe con người là rất nhỏ.
Trước tiên, lượng nước phóng xạ được trữ trong hơn 1.000 bể tại khuôn viên nhà máy Fukushima sẽ được loại bỏ các đồng vị phóng xạ có hại. Sau đó, nước thải sẽ được pha loãng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trước khi được giải phóng ra đại dương.
Quyết định được đưa ra khoảng 3 tháng trước khi Thế vận hội Tokyo được tổ chức. Một số sự kiện sẽ được tổ chức gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima.