Sau khi trận động đất và sóng thần đánh sập nhà máy hạt nhân cách nhà riêng của Tomoko Kobayashi 12 km năm 2011, cô và chồng phải đi sơ tán, bỏ lại chú chó đốm của gia đình. Họ hy vọng có thể trở về nhà trong vài tuần tiếp theo. Nhưng kết quả là phải mất 5 năm cô mới quay lại được Fukushima, theo New York Times. |
Giờ đây, một thập kỷ sau thảm họa thiên nhiên kéo theo thảm họa hạt nhân vào ngày 11/3/2011, chính phủ Nhật Bản vẫn chưa mở cửa lại hoàn toàn các khu dân sinh trong khu vực sơ tán, khoảng 19 km xung quanh nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi. Nhưng kể cả chính phủ có mở cửa nơi này lại, nhiều cư dân từng sống ở đây cũng không có kế hoạch quay trở về. |
Tuy nhiên, một số người, như bà Kobayashi, vẫn chọn quay về. Người phụ nữ 68 tuổi chia sẻ: "Chúng tôi có lý do để quay lại và có đủ điều kiện để làm vậy. Việc này có ý nghĩa ở một mức độ nào đó". |
Nhưng Fukushima giờ đây có vẻ kỳ lạ hơn là chào đón những người dân sơ tán trở về. Cách nhà bà Kobayashi không xa, đất nhiễm xạ được chất trong các bãi rác tạm. Nhìn từ xa, những gò đất xanh trông giống như đồ chơi của trẻ em được sắp xếp trên một tấm thảm màu be. |
Ở thị trấn Futaba, thuộc Fukushima, khuôn viên của một ngôi chùa vẫn còn ngổn ngang những mảnh vỡ từ trận động đất. |
Và tại một số khu rừng ở Fukushima, các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng cho thấy dấu hiệu của bức xạ vẫn còn đọng lại. |
Tại quận Tsushima ở thị trấn Namie, rất nhiều ngôi nhà bị hư hỏng vì bức xạ. Một số con phố giờ chỉ còn là những con đường trống trải. “Tôi nghĩ nơi này có thể sẽ không còn là nơi sinh sống được nữa", Hiroyoshi Yaginuma, người từng sống ở thành phố công nghiệp Koriyama, thuộc Fukushima, nói với New York Times năm 2019. Thảm họa năm 2011 khiến cửa hàng của ông ở thành phố này bị ngập. |
Những cánh đồng từng trồng bí ngô, củ cải và hành lá, nay đã bị bỏ hoang. |
Trong khi đó, chính quyền Fukushima cũng đang nỗ lực xây dựng lại nơi này để thu hút người dân trở về sinh sống. Một số cư dân cao tuổi, như ông Tsunao Kato, rất muốn trở lại. "Những người như tôi muốn ở quê hương. Chúng tôi muốn được chết ở đây", người đàn ông 71 tuổi này nói. |
Một ngôi nhà bị sập vẫn đang chờ đội phá dỡ đến dỡ bỏ. Ông Kato cho biết dù rất vui khi được trở lại Fukushima, ông cũng phải cân nhắc rất nhiều vì biết rằng ở nơi khác an toàn hơn ở đây. |
Giống như ông Kato, bà Kobayashi cũng từng kinh doanh ở Fukushima trước khi xảy ra thảm họa. "Thị trấn ở đây đã biến mất rồi. Nếu quay trở về, chúng tôi phải xây dựng lại", bà nói. |