Báo Yomiuri cho biết Tokyo dự định triển khai tên lửa mới ra những quần đảo như Miyako ở tỉnh Okinawa vào năm 2023. Tên lửa có phạm vi hoạt động 300 km, bao phủ cả quần đảo mà Nhật đang có tranh chấp với Trung Quốc là Senkaku/Điếu Ngư.
Tờ báo đưa tin về kế hoạch này, sau nhiều lần Bộ Ngoại giao Nhật Bản phải triệu tập đại sứ Trung Quốc, để phản đối các tàu nước này liên tiếp đi vào vùng biển mà Tokyo tuyên bố chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tàu Trung Quốc bị phát hiện đang tiến lại gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: AP |
"Để đối phó với những hành vi khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc xung quanh Senkaku, Nhật Bản quyết định tăng cường răn đe bằng việc cải thiện khả năng tấn công tầm xa", Yomiuri dẫn lời nguồn tin. Tên lửa dự kiến sẽ sử dụng nhiên liệu rắn, cho phép nó được phóng trong khoảng thời gian ngắn.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông là tâm điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Đây là một nhóm đảo không có người ở do Nhật Bản quản lý. Chủ quyền đối với quần đảo không người ở này có ý nghĩa quan trọng về quyền lợi, trong đó có khai thác dầu khí, khoáng sản cũng như quyền khai thác thủy sản ở xung quanh.
Từ năm 2012, tàu của Trung Quốc thường đến gần khu vực tranh chấp sau khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo. Những hành động gần đây của Trung Quốc khiến Nhật Bản lo ngại Bắc Kinh có thể đang leo thang các hành động của họ tại biển Hoa Đông.
Ngày 11/8, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố phản đối bất kỳ hành động phương hại tới quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên vùng biển Hoa Đông sau khi Trung Quốc đưa tàu vào gần khu vực này.
Lập trường của Washington là không ủng hộ bất cứ phe nào trong vấn đề chủ quyền của quần đảo. Tuy nhiên, Senkaku/Điếu Ngư có trong hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật nên Washington sẽ bảo vệ Tokyo khi có bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào xảy ra tại khu vực này.