"Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào trong việc xâm phạm quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku", SCMP dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau tuyên bố tại một cuộc họp báo hôm qua.
Bà Trudeau tái khẳng định lập trường của Mỹ rằng Washington không ủng hộbất cứ phe nào trong vấn đề chủ quyền của quần đảo. Tuy nhiên, Senkaku/Điếu Ngư có trong hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật nên Washington sẽ bảo vệ Tokyo khi có bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào xảy ra tại khu vực này.
"Quần đảo Senkaku đã thuộc quyền quản lý của Nhật Bản sau thỏa thuận Okinawa năm 1972. Điều này nằm trong nội dung của điều 5, Hiệp ước an ninh song phương Mỹ-Nhật năm 1960", bà Trudeau nhấn mạnh.
Tuần duyên Nhật Bản cho biết 7 tàu chính phủ và hơn 200 tàu đánh cá của Trung Quốc bị phát hiện đang hoạt động gần vùng nước bao quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào chiều qua theo giờ địa phương.
Tàu Trung Quốc được phát hiện đang tiến lại gần quần đảo Senkaku. Ảnh: AP |
Bà Trudeau bày tỏ rằng, với vị trí là một đồng minh thân thiết của Nhật Bản, Mỹ cũng quan ngại về sự gia tăng của tàu thuyền Trung Quốc trong khu vực lân cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trung Quốc vẫn khẳng định quần đảo này là lãnh thổ của mình từ thời cổ đại, nên việc tàu Trung Quốc hoạt động ở vùng biển gần thẩm quyền của nước họ là điều hiển nhiên.
Quần đảo, mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, thuộc biển Hoa Đông và là tâm điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Senkaku/Điếu Ngư là một nhóm đảo không có người ở do Nhật Bản quản lý. Chủ quyền đối với quần đảo không người ở này có ý nghĩa quan trọng về quyền lợi, trong đó có khai thác dầu khí, khoáng sản cũng như quyền khai thác thủy sản ở xung quanh.
Từ năm 2012, tàu của Trung Quốc thường đến gần khu vực tranh chấp sau khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo. Những hành động gần đây của Trung Quốc khiến Nhật Bản lo ngại Bắc Kinh có thể đang leo thang các hành động của họ tại biển Hoa Đông.