Theo Reuters, sự xâm nhập của tàu Trung Quốc đã tăng thêm căng thẳng giữa hai nước. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga vừa cứng rắn, vừa bình tĩnh kêu gọi Trung Quốc không nên leo thang tranh chấp tại biển Hoa Đông.
Trong cuộc họp báo ngày 8/8, ông Suga cho biết cuối tuần qua, tổng cộng 14 tàu của Trung Quốc thâm nhập vào vùng nước mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền.
Đến ngày 8/8, 12 tàu Trung Quốc vẫn neo đậu trong khu vực. Nhiều cơ quan bao gồm lực lượng phòng vệ biển sẽ hoạt động sát sao để đối phó với vấn đề này, ông Suga nói thêm.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga tại văn phòng Thủ tướng Shinzo Abe tại Tokyo vào ngày 2/7/2016. Ảnh: Reuters. |
Việc các tàu Trung Quốc hoạt động gần quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư khiến căng thẳng giữa hai nước gia tăng từ ngày 5/8. Chỉ trong ngày 7/8, Nhật Bản phải lặp đi lặp lại quan điểm phản đối 3 lần.
Khoảng 230 tàu đánh cá của Trung Quốc đã xuất hiện ở vùng biển này từ ngày 6/8, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Đồ họa: Daily Mail |
Căng thẳng tăng cao diễn ra trong bối cảnh phán quyết của Tòa Trọng tài tại The Hague bác bỏ yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông một tháng trước. Trung Quốc từ chối công nhận các phán quyết trong khi Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc nên tuân thủ các quyết định của tòa án được cho là ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã cảnh báo Tokyo không nên can thiệp vào chuyện này.
Trung Quốc cũng phê phán tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Tomomi Inada vào ngày 5/8 là thiếu thận trọng về lịch sử khi bà phủ nhận quân đội Nhật đã tàn sát dân cư của Trung Quốc trong Thế chiến II. Bà Inada đã lặp lại ý kiến của ông Suga và nói rằng lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ tiến hành tuần tra trên không để cung cấp thêm thông tin cho tuần duyên.
Senkaku/Điếu Ngư là một nhóm đảo không có người ở do Nhật Bản quản lý. Tuy nhiên, chủ quyền đối với quần đảo không người ở này quyết định nhiều về quyền lợi, trong đó có khai thác dầu khí, khoáng sản cũng như quyền khai thác thủy sản ở xung quanh.
Từ năm 2012 đến nay, tàu của Trung Quốc thường đến gần khu vực tranh chấp sau khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo. Những hành động gần đây của Trung Quốc khiến Nhật Bản lo ngại Bắc Kinh có thể đang leo thang các hành động của họ tại biển Hoa Đông.