Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật 'nuôi' đảo để kiềm chế tham vọng lãnh thổ của TQ

Kết quả quá trình Nhật Bản tái tạo đảo san hô Okinotorishima ở điểm cực Nam nước này sẽ quyết định số phận của tiền đồn nhỏ chiến lược và phản bác việc Trung Quốc coi nó chỉ là đá.

Okinotorishima hoặc “đảo chim xa xôi” là một đảo san hô vòng ở biển Philippines, phía Bắc Thái Bình Dương, nơi hai mỏm nhỏ nhô ra khi thủy triều lên cao. Nó nằm cách thủ đô Tokyo của Nhật Bản 1.700 km về phía Tây Nam. Nhật Bản coi Okinotorishima là điểm cực Nam của họ, trong khi Trung Quốc nói đó chỉ là một bãi đá, do đó không được hưởng Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Hàng nghìn năm qua, san hô mọc trên Okinotorishima và giữ nó nhô lên khỏi mặt nước. Nhưng hiện nay, Okinotorishima đang chết dần. Biến đổi khí hậu đang khiến mực nước biển tăng và giết chết rạn san hô. Do đó, Nhật Bản đang tìm cách tái tạo lại đảo san hô này, theo Financial Time. Kết quả của quá trình sẽ quyết định số phận của tiền đồn nhỏ chiến lược, cùng những tác động pháp lý tại Biển Đông.

Đảo Okinotorishima. Ảnh: Japan Times

Giá trị quân sự

Chính quyền Nhật Bản đã đem san hô từ Okinotorishima tới Viện Nghiên cứu Nước biển sâu trên đảo Kumejima và thu hoạch trứng san hô. Các nhà nghiên cứu sẽ nuôi những rạn san hô nhỏ trong bồn tại nhà kính trong 1 năm và cấy ghép chúng trên đảo Okinotorishima.

“Chúng tôi đã thu được kết quả trong việc mở rộng diện tích trồng san hô, nhưng tỷ lệ san hô chết khi cấy là rất cao. Do đó, chúng tôi chưa thể nói số lượng san hô trên đảo đang tăng”, giáo sư danh dự Makoto Omori tại Đại học Khoa học và Công nghệ Biển Tokyo cho hay.

Trong khi đó, ông Hideaki Kaneda, Phó Đô đốc về hưu thuộc Viện Okazaki, chỉ ra 3 điểm quan trọng của Okinotorishima ảnh hưởng tới an ninh của Nhật Bản.

Thứ nhất, "đảo chim xa xôi" là khu vực quan trọng nhằm ngăn quân đội Trung Quốc củng cố quân sự từ phía Đông. Thứ hai, Okinotorishima nằm trên tuyến hành trình mà tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc di chuyển tới Thái Bình Dương, hướng tới việc tuần tra các vị trí quân sự chống lại Mỹ. Thứ ba, nó nằm gần các tuyến đường biển – nơi các nhiên liệu thô được chuyển vào Nhật Bản từ các cảng phía Bắc và Tây Australia.

Điều này biến khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý (322 km) quanh Okinotorishima và quyền kiểm soát lớn hơn tại vùng biển này trở thành một tài sản chiến lược, vượt ngoài tài nguyên thiên nhiên nằm dưới mặt biển.

Hình thành tự nhiên

Chỉ đảo, không phải đá, mới được hưởng EEZ. Do đó, đây cũng là lý do khác khiến Nhật Bản cố tìm cách tái tạo các rạn san hô, thay vì làm theo cách Trung Quốc là đổ hàng nghìn tấn cát và bê tông lên các thực thể.

Điều 121 trong UNCLOS xác định hòn đảo là “vùng đất hình thành tự nhiên” nằm trên mặt nước khi thủy triều lên cao. Nó "không bao gồm đá – thực thể không có khả năng duy trì sự sống của con người hay có đời sống kinh tế riêng".

Trung Quốc đang bồi lấp đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Nếu Nhật Bản hồi sinh rạn san hô trên Okinotorishima, Tokyo có thể tranh luận rằng nó được "hình thành tự nhiên". Đồng thời, việc nuôi san hô là một phần nỗ lực của Nhật Bản cho thấy Okinotorishima có “đời sống kinh tế” và khẳng định nó không phải là “đá”.

“UNCLOS không có định nghĩa rõ về đá. Đây là lập trường của chính phủ Nhật Bản. Trong lịch sử, Nhật Bản đã duy trì ‘đời sống kinh tế’ của hòn đảo này”, ông Kaneda nói.

Bằng lập trường như vậy, Nhật Bản khẳng định Okinotorishima là một hòn đảo có EEZ, trong khi vẫn phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Một số học giả cho rằng sẽ khôn ngoan hơn nếu Nhật Bản từ bỏ tuyên bố đảo san hô với Okinotorishima vì điều này tốt hơn trong việc khẳng định đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng là bất hợp pháp.

Tuy nhiên, giá trị quân sự của Okinotorishima khiến Tokyo không thể từ bỏ. Những cuộc tranh luận pháp lý sẽ không có ý nghĩa nếu các đảo san hô xói mòn.

"Chúng tôi đã gặp nhiều vấn đề và thất bại trong quá trình nuôi dưỡng các rạn san hô. Nhưng chúng tôi hy vọng sẽ trồng được 3 hecta trong năm tới. Đây là lần đầu tiên một việc như vậy được thực hiện trên thế giới", giáo sư Omori nhận định.

Nhật lo ngại Trung Quốc trong báo cáo mới về Biển Đông

Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh sự ảnh hưởng đến an ninh khu vực do những hoạt động cải tạo của Trung Quốc trên Biển Đông trong năm 2015 và đưa ra dự báo về diễn biến sắp tới.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm