Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov sáng nay tổ chức họp báo tổng kết mối quan hệ Việt - Nga năm 2015, thời điểm hai nước kỷ niệm 65 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao.
Đại sứ Nga đánh giá điểm nổi bật trong mối quan hệ đối tác chiến lược trong năm qua thể hiện ở sự hợp tác chặt chẽ trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, nhiên liệu - năng lượng, giáo dục... và đặc biệt là hợp tác kỹ thuật - quân sự. Ông khẳng định hợp tác quân sự với Việt Nam là lĩnh vực truyền thống, đã phát triển hàng thập kỷ và sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Hợp tác quân sự chưa bao giờ có trở ngại
"Tôi rất vui mừng rằng Nga đang thực hiện thành công các hợp đồng về cung cấp các vũ khí hiện đại nhất trong lĩnh vực Hải quân cho Quân đội Nhân dân Việt Nam, bao gồm các tàu ngầm, máy bay chiến đấu. Các loại vũ khí bán cho Việt Nam trên thực tế đang chứng minh hiệu quả rất cao trong chiến dịch chống khủng bố trên lãnh thổ Syria", đại sứ Nga khẳng định.
"Tôi nhận thấy tương lai tươi sáng về sự hiện diện của vũ khí Nga trên thị trường Việt Nam. Dù là áp dụng hay dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ với Việt Nam thì từ trước đến nay, giữa Nga và Việt Nam chưa hề có sự trở ngại nào về lĩnh vực hợp tác này", ông nói thêm.
Trong khi đó, về vấn đề Biển Đông, Đại sứ Nga khẳng định, dù Moscow không phải là một bên trong tranh chấp, Nga có hai phần ba diện tích lãnh thổ nằm tại châu Á và các doanh nghiệp dầu khí của Nga đang hoạt động thành công tại Biển Đông, do đó, nước này rất quan tâm đến hòa bình và sự ổn định tại khu vực.
Ông nhấn mạnh Moscow phản đối quân sự hóa và gia tăng quân sự cũng như biến Biển Đông thành nơi đối đầu, mà vùng biển này cần trở thành nơi để hợp tác kinh tế chung, hợp tác bảo vệ tài nguyên và hậu quả thiên tai, chống tội phạm trên biển.
"Nga sẵn sàng làm việc với Việt Nam và các nước khác trong khu vực để bình thường hóa tình hình Biển Đông. Việt Nam và các đối tác khác trong ASEAN có thể trông cậy và sự giúp đỡ và ủng hộ toàn diện của Nga trong vấn đề này", Đại sứ Nga Vnukov khẳng định.
Theo nhà ngoại giao Nga, đất nước ông có kinh nghiệm giải quyết thành công các vấn đề lãnh thổ với các nước láng giềng ở hướng Tây và hướng Đông, và ông cho rằng không có sự lựa chọn nào khác ngoài biện pháp ngoại giao - chính trị để giải quyết tranh chấp. Ông Vnukov cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đàm phán giải quyết tranh chấp dựa trên nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
Đại sứ Nga Vnukov trả lời Zing.vn. Ảnh: Phan Anh |
Hợp tác kinh tế - thương mại: Trọng tâm quan hệ năm 2016
Tại buổi họp báo, Đại sứ Nga cũng khẳng định một trong những phần cấu thành có ý nghĩa quan trọng bậc nhất và là trọng tâm trong quan hệ Nga - Việt năm tới là hợp tác kinh tế - thương mại. Bất chấp cục diện không thuận lợi trên các thị trường thế giới trong thời gian, khối lượng thương mại song phương vẫn giữ ở mức khá cao: 3,75 tỷ USD tính theo kết quả năm 2014, còn trong 10 tháng của năm nay đã là 2,74 tỷ USD.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của Zing.vn về sự khiêm tốn trong kim ngạch song phương, Đại sứ Nga đồng tình rằng chỉ số này chưa đáp ứng được những khả năng và nhu cầu của hai đối tác chiến lược. Vì vậy, ban lãnh đạo Nga và Việt Nam đặt ra nhiệm vụ gia tăng kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD đến năm 2020. Nhà ngoại giao kỳ cựu của Nga tin tưởng có thể hoàn thành mục tiêu này một cách thuận lợi.
Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á - Âu và Việt Nam vào ngày 29/5 được kỳ vọng trở thành công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu này. Kết quả của việc khởi động cơ chế này là Việt Nam sẽ có được quyền tiếp cận vào một thị trường to lớn và đầy triển vọng là 5 nước - Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kirghizia, với gần 200 triệu người tiêu dùng. Ngoài ra, việc tham gia của Việt Nam vào các thỏa thuận về thương mại ưu đãi, kể cả trong khuôn khổ ASEAN, cũng sẽ cho phép các công ty Nga có được quyền tiếp cận các thị trường của các quốc gia Đông Nam-Á.
Song song với đó là hoạt động của Tổ công tác song phương cấp cao về các dự án đầu tư ưu tiên, với 17 dự án chung với tổng số tiền lên đến hơn 20 tỷ USD trong các lĩnh vực như chế tạo máy, năng lượng điện, khai thác khoáng sản, công nghiệp nhẹ. Việc thực hiện các dự án này phải thúc đẩy sự tăng cường hợp tác đầu tư song phương, đưa hợp tác kinh tế lên một tầm cao mới về chất.
Hợp tác năng lượng trở thành con đường hai chiều
Đại sứ Nga Vnukov khẳng định trụ cột của mối quan hệ đối tác chiến lược Nga - Việt tiếp tục là tổ hợp nhiên liệu - năng lượng. Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được mô tả là "vô tiền khoáng hậu và rất phức tạp" đang tiếp tục hoạt động một cách khẩn trương. Kèm theo đó là việc đào tạo các cán bộ về chuyên ngành hạt nhân và Nga sẵn sàng cử đoàn chuyên gia để gặp gỡ phía Việt Nam nhằm chứng minh độ an toàn của các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới hàng đầu của Nga.
Ngoài ra, công tác thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực quan trọng mang tính chiến lược trong hợp tác. Ngoài liên doanh 35 năm tuổi Vietsovpetro chiếm gần một phần ba số lượng dầu được khai thác tại Việt Nam và công ty điều hành PAO Gazprom và OAO NK Rosneft đang hoạt động thành công tại các mỏ trên thềm lục địa Việt Nam, sự hợp tác về năng lượng giữa hai nước đã trở thành một con đường hai chiều.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Petrovietnam, Công ty Liên doanh Rusvietpetro và OAO Gazpromviet đang tiến hành khai thác dầu khí tại Liên bang Nga, "mở ra những chân trời mới" cho lĩnh vực hợp tác năng lượng.
Ngoài ra, đại sứ Nga khẳng định quan hệ song phương trong lĩnh vực ngân hàng, du lịch, giao lưu địa phương và nhân dân... cũng được đẩy mạnh trong năm qua. Mối quan hệ song phương hứa hẹn phát triển lên một tầm cao mới trong những năm tới.