Tháng chín bao giờ không như mùa thu
Hàng me ấy lá đã vàng màu nhớ
Ngôi nhà ấy ngói đã vàng màu phố
Như lòng anh giờ đã cũ hơn xưa.
***
Tháng chín bao giờ không gặp trời mưa
Anh ướt áo một mình trong góc tối
Con sẻ gầy xù cánh ướt bên chân.
***
Tháng chín nào không mây bâng khuâng
Và hoa tím rụng xuống lòng bất chợt
Ai khăn áo trong một ngày chớm lạnh
Không là em mà vẫn cứ là em.
***
Tháng chín nào trời chẳng thấp hơn
Anh xuống phố gió mùa rơi trên áo
Gió có thổi qua nhà em không đấy
Sao mùi hương quen quá thoảng qua lòng.
***
Tháng chín nào không lá rụng đầy sân
Anh vẫn quét gom như ngày hò hẹn
Em đã vắng - khói lên trời hiu quạnh
Khói tan đi - như chuyện cũ tan đi
Và để lại một mình anh trên phố
Buồn chẳng rõ và vui gì không rõ
Lặng lẽ cầm chiếc lá nhặt bâng quơ
Lặng lẽ cầm chút nắng giống ngày xưa
Còn sót lại trong một chiều rất nhạt…
Lời bình
Bài thơ Nhạt nắng của Đỗ Trung Quân về cảm quan là dễ đọc, dễ cảm nhận. Đó là tâm trạng bâng khuâng khi gặp lại chút gì xưa cũ từng đi qua trong đời. Tháng chín, mùa thu, cơn mưa, áo khăn ngày chớm lạnh, một mùi hương thân quen, chút nắng của mùa xưa sót lại…
Buồn chẳng rõ và vui gì không rõ là tâm trạng của một chiều nhạt nắng. Nhạt nắng, nhạt hương, nhạt cả những cũ càng lưu dấu. Buồn, hẳn nhiên là buồn. Nhưng sao lại vui? Có lẽ cái vui ấy cũng ẩn chứa không ít ngậm ngùi. Trong cái nhạt kia, người ta nhận ra sự thật. Chia ly không hẳn là không hạnh phúc. Dở dang, thiếu khuyết này là cơ hội cho những tròn đầy viên mãn khác.
Có một nét đặc biệt trong hình thức nghệ thuật của bài thơ, đó là những câu gợi tứ đứng đầu đoạn gợi lên hình ảnh một người bất chợt chạm phải mùa thu, chạm phải ký ức. Sau mỗi câu như thế: Tháng chín bao giờ… / Tháng chín nào… là ngày xưa ùa về. Cấu trúc cứ như bắt như buông, chạm vào rồi lại nhớ, nhớ rồi lại thấy nhàn nhạt tan đi, loãng bay lên hiu quạnh.
Dẫu sao, đọc bài thơ Nhạt nắng của Đỗ Trung Quân, cảm giác sau cùng đọng lại trong ta vẫn là nỗi buồn. Nhớ xưa đành là buồn. Nhạt xưa, sao cũng buồn đến thế!