Ông cũng cho biết danh sách các điều khoản được treo từ thoả thuận TPP ban đầu cũng đã được thống nhất.
Trước đó, sau cuộc họp muộn, Bộ trưởng Thương mại Mexico Ildefonso Guajardo ngay khi bước ra khỏi toà nhà hành chính đã nói với các phóng viên là thoả thuận đã đạt được. Ông nói thông báo về chuyện này sẽ được đưa ra vào ngày mai (10/11).
Các thành viên đoàn đàm phán rời trung tâm hành chính TP Đà Nẵng lúc nửa đêm. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Thông tin về việc đạt được thoả thuận dù vậy vẫn đang lẫn lộn vì ngay sau nửa đêm, Bộ trưởng Thương mại Canada François-Philippe Champagne viết trên Twitter rằng: "Dù có các thông tin, vẫn chưa có thoả thuận căn bản về TPP".
Tuyên bố này cũng phản ánh phần nào lập trường của phía Canada thể hiện qua thông điệp của Thủ tướng Trudeau khi ở Hà Nội: "Canada sẽ không vội vàng ký thoả thuận TPP nếu không có lợi cho Canada".
Một thành viên của đoàn Canada trả lời Zing.vn rằng: "Tình hình vẫn chưa rõ ràng hết nên Nhật Bản (tuyên bố) vội vàng. Vẫn chưa có thoả thuận căn bản (về TPP)".
Bộ trưởng Champagne tuyên bố chưa có thoả thuận TPP sau lúc nửa đêm. Twitter. |
Phía Canada dù vậy thừa nhận các vấn đề đã được thu hẹp và đã có quy trình mới để giải quyết các vấn đề này. Việc quyết các bước tiếp theo sẽ do cuộc họp các nhà lãnh đạo TPP dự kiến vào hôm nay.
Diễn biến mới dù vậy có thể coi là bước đột phá lớn của TPP, vốn rơi vào khủng hoảng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ rút khỏi hiệp định chỉ vài ngày sau khi ông nhậm chức đầu năm nay.
Theo quy định TPP ban đầu, tỷ lệ GDP của các nước triển khai phải đạt được 85% tổng GDP của 12 nước (ký năm 2013) thì hiệp định mới có hiệu lực. Với việc Mỹ chiếm 60% GDP, TPP ít nhất sẽ cần thay đổi điều khoản hiệu lực để có thể bắt đầu.
Việc “đóng băng” hay treo một số điều khoản của thoả thuận là biện pháp dễ nhất cho các nước vào lúc này để có thể tiếp tục triển khai - trong khi vẫn hy vọng Mỹ có thể trở lại vào tương lai.
Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh, trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam, sau khi kết thúc cuộc họp. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Con số các điều khoản được cân nhắc treo gồm khoảng 50 điều sau cuộc đàm phán tại ở Urayasu, ngoại ô Tokyo, kết thúc hôm 1/11. Trong số này gồm 3 mảng chính: các vấn đề pháp lý, quyền sở hữu trí tuệ và các mục khác.
Trước đó tại phiên thứ hai của cuộc họp các bộ trưởng TPP sáng nay ở Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh thông báo phía Nhật đã đưa ra một gói thoả thuận cuối cùng để các bộ trưởng có thể bàn thảo thống nhất một thoả thuận nguyên tắc cho TPP-11.
Phương án này sẽ được trình lên cuộc họp các lãnh đạo TPP bên lề APEC dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Bộ trưởng Steven Ciobo của Australia trả lời báo giới trưa 9/11. Ảnh: Thanh Tuấn. |
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi, người trình bày gói đề xuất cuối cùng, nói các nhà đàm phán đã có 2 tuần “làm việc rất tích cực” để gói thoả thuận này phản ánh được đề xuất từ tất cả các bên.
TPP-11 là tên gọi của hiệp định giữa 11 thành viên còn lại của TPP sau khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức đã tuyên bố rút lui. Việc mở lại bất cứ điều khoản nào của 1.500 trang hiệp định TPP được coi là hết sức phức tạp khi các nước đồng ý điều khoản TPP ban đầu đều có những tính toán tổng thể về được - mất với các đối tác, đặc biệt là với thị trường Mỹ - nền kinh tế lớn nhất và thị trường quan trọng nhất cho các nước.