Tác giả Hồ Yên Thục là thạc sĩ Quản lý Giáo dục Đại học Portsmouth, Anh. Bằng những trải nghiệm của một giảng viên đại học, cô viết cuốn Nhật ký cô giáo - Học kỳ hè.
Đây là một tập tản văn lạ lùng, mỗi bài viết ngắn như những dòng nhật ký không đề ngày tháng. Những băn khoăn học hành, thi cử ở giảng đường; những tình huống dở khóc dở cười; những mẩu đối thoại nơi hành lang, bãi xe hay canteen trường… đi thẳng vào nhật ký cô giáo.
Sách Nhật ký cô giáo - Học kỳ hè. Ảnh: Yến Vũ. |
Tuy vậy, thay vì giọng tự sự thường thấy trong nhật ký, Nhật ký cô giáo - Học kỳ hè lại có văn phong dí dỏm, vui tươi; những câu chuyện tưởng chừng không đầu không cuối mà để lại nhiều suy ngẫm.
Bố cục sách được sắp xếp thành một học kỳ, “học kỳ hè”, mở đầu là “Tinh thần đại học”, đi qua các bài giảng, kiểm tra, điểm danh, thuyết trình, cho tới thời điểm tốt nghiệp. Biết bao câu chuyện thú vị với đầy đủ các cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố xảy ra ở đây giữa thầy và trò trong thời công nghệ 4.0.
Những chuyện thường ngày chốn giảng đường trở nên sinh động dưới văn phong của cô giáo. Quan hệ thầy trò được cô gọi vui là “kiếp nạn nhân duyên luẩn quẩn”, mà ở đó “cô giáo chỉ biết tự trách mình dày nghiệp”.
Đó là khi giảng bài cô nói tiếng Anh thì “bọn chúng” không hiểu; còn khi “chúng” nói tiếng Anh thì cô không hiểu. Đó là khi hết giờ học, cô hỏi “Có gì thắc mắc không?”, sinh viên bảo “Dĩ nhiên là không”; nhưng buổi sau kiểm tra, sinh viên lại bảo “Phần này cô có dạy à”.
Sinh viên thời 4.0 cũng khác xa sinh viên trước đây, họ gần gũi, cởi mở hơn với giảng viên, bởi vậy họ có thể “tâm sự” cả cuộc sống với thầy cô.
Cô kể khi yêu cầu sinh viên nộp tiểu luận, sinh viên trả lời “Em chưa nộp được, hôm qua người yêu giận không nói chuyện với em”. Khi cô kiểm tra bài “Em hãy cho tôi biết nguyên lý Maslow gồm những gì?”, lập tức sinh viên lễ phép: “Dạ thưa cô, đêm qua em thức chăm con”. Có khi, sinh viên hỏi cô cuối tuần có rảnh không, để mời cô đi dự đầy tháng con gái thứ hai của mình.
Nhưng cô giáo không lấy làm bất ngờ, mà luôn “tuân thủ triết lý giáo dục của nhà trường là đào tạo công dân toàn cầu 4.0”, với những sinh viên “hoàn chỉnh, công dân ưu tú của xã hội hiện đại với chuyên môn cao và lối sống chuẩn mực, đời sống tinh thần phong phú”.
Bởi vậy cô “tự hào có những sinh viên trẻ tuổi đã biết hưởng thụ hạnh phúc lứa đôi và hiểu rõ điểm số không thể hiện thực lực”.
Giảng viên Hồ Yên Thục. Ảnh: hcmuni.fpt.edu. |
Đằng sau những tình tiết giản dị, mộc mạc đời thường, đằng sau những màn đối đáp mà cô gọi là “đi vào lòng đất”, cuốn sách nhỏ cho thấy bức tranh giáo dục đang dần thay đổi. Quan hệ thầy trò giờ đây không còn là “thầy giảng, trò chép”, “tiên học lễ, hậu học văn’.
Người dạy và người học đã gần gũi, tự do hơn từ trao truyền kiến thức, trao đổi thông tin, thể hiện quan điểm, lối sống. Thầy trò 4.0 bình đẳng về tư duy, nhưng họ vẫn giữ nét tôn sư trọng đạo theo truyền thống dân tộc.
Cuốn sách sử dụng lối viết hóm hỉnh, văn phong là sự pha trộn ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ mạng và tự sự, đối thoại. Câu kết của mỗi bài viết thoáng qua thường thể hiện sự "tưng tửng", nhưng lại gợi những tình huống, suy ngẫm sâu sắc.
Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân, trong “Lời giới thiệu”, nhận xét về sách: “Một tập tản văn thú vị, sắc sảo và cả hài hước về tâm lý giáo dục và ‘khủng hoảng’ hiện nay”.