Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TS Lê Thẩm Dương - bằng mọi giá để gia đình đủ ăn

Xuất phát là một giảng viên, đi giảng thật nhiều để có tiền nuôi gia đình, TS Lê Thẩm Dương luôn trau dồi, học hỏi tìm ra phương pháp để các bài giảng của mình cuốn hút.

Hồi ký Tiến sĩ Lê Thẩm Dương (nhà báo Tuấn Anh chấp bút) là cuốn sách trong đó TS Lê Thẩm Dương kể lại một phần câu chuyện cuộc đời mình, từ đó đưa ra những bài học, kinh nghiệm với bạn trẻ. Được sự đồng ý của đơn vị nắm bản quyền, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.

Thợ giảng là một nghề

Từ 27 đến 33 tuổi, tức là từ lúc tôi vào Nam đến năm 1993, mục tiêu lớn nhất của tôi là bằng mọi giá phải làm sao để gia đình đủ ăn. Mà công việc của tôi là giảng dạy nên phải đi dạy nhiều thì mới có tiền. Nội dung bài giảng của tôi chẳng khác nội dung của các thầy cô khác vì đề cương đã được thống nhất từ đầu. Nhưng về phương pháp luận thì sinh viên rất hài lòng với các giờ giảng của tôi.

TS Le Tham Duong thanh dien gia nhu the nao? anh 1
Sách Hồi ký Tiến sĩ Lê Thẩm Dương.

Sau đó tôi có đi dạy tại các trường ngoài, nhiều môn tôi dạy không phải sở trường nhưng sinh viên vẫn ca ngợi. Sau này đi dạy về đánh giá nguồn lực, định vị bản thân tôi mới nhận ra rằng cái khó nhất là định vị được sở trường của mình, lúc đó tôi lờ mờ hiểu được rằng đi dạy cũng là một nghề.

Tôi nhớ có lần trong một cuộc họp của Đảng ủy, có đồng nghiệp phê phán “giảng viên mà cứ như là thợ giảng”. Tôi cãi lại thợ giảng là tốt chứ, chỉ sợ không làm nổi thợ thôi. Nói cứng như vậy nhưng thực sự về mặt lý luận mình vẫn cảm thấy chưa vững.

Năm 1993, tôi may mắn được học 4 mô-đun (3 mô-đun ở Việt Nam, 1 mô-đun ở Anh) của một ông thầy người Anh chuyên về tâm lý và phương pháp sư phạm, tôi thấy những gì tôi nghĩ, tôi đang làm thời điểm đó đều chính xác. Khi đứng trên bục giảng mình hiểu là một chuyện, nhưng làm sao để người nghe mình hiểu được thì lại là một nghề mà không phải ai cũng làm được.

Lúc đó tôi mới hiểu câu “Hổ phụ sinh khuyển tử”. Đáng ra phải là “Hổ phụ sinh hổ tử” chứ, nhưng vì ông bố giỏi không có phương pháp, không dạy được con. Một bà mẹ dạy mãi thằng con lớp hai không hiểu liền tát nó, đáng ra bà phải tát vào mặt mình vì thiếu phương pháp làm cho con hiểu. Như vậy, nếu trường chuyên về đào tạo thì chắc chắn phải cần thợ giảng, giảng bài là một nghề.

Khi nhận thức rõ ràng về vấn đề này, tôi chú tâm cho công việc giảng dạy của mình. Từ năm 1993, tôi bắt đầu được nhiều trường mời đến giảng bài (trước đó tôi phải đi xin giảng để kiếm sống). Đặc biệt, tôi được nhiều trường mời đến nói chuyện trong những dịp lễ hội quan trọng, rồi nói chuyện với rất đông các đoàn viên thanh niên. Khi đó tôi mới nghĩ tại sao không phát huy tối đa sở trường mình có.

May mắn là thời điểm đó Internet đã xuất hiện ở Việt Nam, tôi lên mạng xem một số diễn giả nước ngoài. Tôi xem họ rất kỹ, tôi tìm hiểu xem họ có bí quyết gì và họ giúp xã hội bằng cách nào. Và tôi tự nhận thấy mình cũng làm được, thậm chí làm tốt hơn tại Việt Nam vì mình là người Việt Nam và mình hiểu người Việt Nam hơn họ.

4 yếu tố để thành diễn giả chuyên nghiệp

Nhưng cũng phải đến năm 2000, khi ở tuổi 40, tôi mới bắt đầu con đường trở thành diễn giả chuyên nghiệp. Để trở thành một diễn giả chuyên nghiệp thì đầu tiên phải có lõi kiến thức (nguyên liệu của nghề), nếu không có cái này thì người nghe chỉ ngồi tối đa được 60 phút thôi.

Nguyên liệu đầu tiên: Kiến thức cơ bản/nền phải rất tốt. Nền ở đây là phải hiểu từng từ, từng ngữ và phải nói để người nghe hiểu chứ không được mặc định họ hiểu rồi. Ví dụ "khởi nghiệp" thì "khởi" là gì, "khởi nghĩa" hay "khởi đầu"; "nghiệp" khác "nghề" chỗ nào, "tài chính" khác "tiền" chỗ nào…

TS Le Tham Duong thanh dien gia nhu the nao? anh 2
Nhiều sinh viên xin chữ ký trong buổi ra mắt Hồi ký Tiến sĩ Lê Thẩm Dương

Tiếp đến kiến thức phải đủ bề rộng. Tôi thấy một số bạn MC trẻ kiến thức nền chưa tốt lắm, nhưng kiến thức bề rộng họ có, không sâu nhưng phải rộng, phải đọc nhiều và phải ngấm được kiến thức. Yếu tố thứ ba là kiến thức phải có tính hiện đại, vì nếu diễn giả mà không cập nhật được kiến thức thì người nghe sẽ cười ngay lập tức.

Yếu tố thứ tư là phải có kiến thức thực tiễn. Thường thì anh bàn giấy (lý luận) mất tính thực tiễn, còn anh thực tiễn thì lại mất tính bàn giấy (lý luận). Khi mở một lớp đào tạo chứng khoán, đưa một anh chứng khoán lão luyện về dạy cũng không được vì không có nghề dạy, nhưng nếu đưa một anh giảng viên về dạy cũng bể vì nói rất hay nhưng không ví dụ được.

Một giảng viên muốn trở thành diễn giả thì phải có 4 loại kiến thức này. Trên thực tế rất hiếm người đạt được trình độ này. Có người không có đủ nhưng vẫn cố làm, kết quả là không thành công. Đây được coi là điều kiện cần.

Tiếp đến phải có điều kiện đủ là kỹ năng để biến 4 loại kiến thức ở trên thành tài sản cho người nghe. Để làm được điều này lại phải cần 3 yếu tố. Đầu tiên, anh muốn làm gì thì làm, phải làm cho người ta tin, được thể hiện qua ngôn ngữ, lời nói, tác phong, sự nhiệt tình, tính thiện chí. Tin hay không tin là do cảm xúc và não bộ quyết định.

Tiếp đến phải làm cho người ta thích. Có diễn giả khi bước vào phòng là khán giả tin liền nhưng không thích hoặc ngược lại. Ít ai hội tụ được đủ cả hai yếu tố này. Nếu đủ rồi thì lại cần yếu tố thứ ba là nội hàm trao đổi: Bằng mọi giá phải trao được cho người nghe giá trị gia tăng (trên nền cái người nghe tin và thích).

Trong quá trình đi giảng, tự tôi đánh giá ít nhất 30% các buổi giảng là không thành công vì lý do của mình, của bối cảnh, của người học... Nhưng để cho người học người nghe tin và thích đòi hỏi diễn giả chuyên nghiệp phải có khả năng tạo ra hưng phấn giả.

Tôi lấy ví dụ có những lớp học khán giả không sẵn sàng, bị ức chế thì mình có nhiệt tình mấy cũng bằng thừa, nhưng mặt mình vẫn phải cho học viên thấy sự hưng phấn, cuối buổi giảng mình vẫn thể hiện sự mãn nguyện... Đó là những yếu tố nghề nghiệp của nghề diễn giả.

TS Lê Thẩm Dương: 'Đọc hồi ký của tôi sẽ biết vì sao tôi thất bại'

Theo TS Lê Thẩm Dương, trong đời có những việc ta không thích nhưng vẫn cần làm, vì có thể nó hữu ích với ai đó. Hồi ký của ông mới được phát hành ngày 8/3.


Trích "Hồi ký Tiến sĩ Lê Thẩm Dương"

Bạn có thể quan tâm