Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật hoàng Akihito thoái vị, Nhật Bản khép lại triều đại Bình Thành

Nhật hoàng Akihito chính thức thoái vị, Nhật Bản bước vào những giờ cuối cùng của triều đại cũ với sự hồi tưởng và hy vọng cho kỷ nguyên mới.

Nghi lễ thoái vị chính thức của Nhật hoàng Akihito bắt đầu lúc 17h (giờ địa phương, tức 15h theo giờ Hà Nội) tại hoàng cung Nhật Bản. Buổi lễ này, được gọi là Taiirei Seiden Nogi (Nghi lễ thoái vị của Hoàng đế), diễn ra tại phòng Matsu no Ma trong hoàng cung.

Trong bài phát biểu cuối cùng trong tư cách nhà vua, Nhật hoàng Akihito cảm ơn công chúng và cầu nguyện cho hòa bình.

"Tới tất cả những người đã chấp nhận và ủng hộ tôi như là một biểu tượng (của đất nước), tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất", Reuters dẫn lời Nhật hoàng Akihito phát biểu trong buổi lễ được phát trực tiếp trên truyền hình.

"Cùng với hoàng hậu, từ trái tim tôi hy vọng triều đại mới Lệnh hòa bắt đầu ngày mai sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng, và cầu chúc cho hòa bình và hạnh phúc tới người dân đất nước và mọi người trên khắp thế giới", Nhật hoàng Akihito phát biểu trang trọng, với Hoàng hậu Michiko trong bộ váy trắng xám đứng bên cạnh.

Nhat hoang thoai vi anh 1
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko trong nghi lễ Taiirei Seiden Nogi tại cung điện ngày 30/4. Ảnh: Reuters.

Sự thoái vị lịch sử

Nhật hoàng Akihito là Nhật hoàng đầu tiên thoái vị trong 200 năm qua. Buổi lễ 10 phút diễn ra với sự có mặt của Nhật hoàng Akihito, Hoàng hậu Michiko, Thái tử Naruhito cùng các thành viên hoàng gia. Khoảng 330 nhân vật quan trọng khác cũng có mặt ở buổi lễ này. 

Thủ tướng Abe là người đầu tiên xuất hiện để thông báo chính thức về việc thoái vị, sau đó Nhật hoàng Akihito có bài phát biểu, đánh dấu sự kết thúc triều đại Bình Thành (Heisei). Thủ tướng, cũng là người thay mặt công chúng, đã bày tỏ sự biết ơn đến Nhật hoàng.

Trước đó, sáng 30/4, trong chiếc áo choàng truyền thống, Nhật hoàng Akihito, 85 tuổi, tiến vào chính điện của Đền thờ Kashikodokoro để báo cáo về việc nghỉ hưu của mình với các vị thần.

Ngôi đền thờ nữ thần Amaterasu, người được cho là tổ tiên trực tiếp của hoàng tộc. Chỉ một phần của nghi lễ tại đền thờ được công bố trên truyền thông.

Nhat hoang thoai vi anh 2
Nhật hoàng Akihito (trái) chuẩn bị bước vào đền thờ ở hoàng cung tại Tokyo hôm 30/4 để thực hiện các nghi lễ thoái vị. Ảnh: Pool.

Triều đại của ông kéo dài đến nửa đêm khi con trai ông là Thái tử Naruhito trở thành hoàng đế mới và thời đại mới bắt đầu. Trong buổi lễ diễn ra tối nay, triều đại của Nhật hoàng Akihito sẽ chính thức kết thúc khi trả lại 2 trong số 3 bảo vật của hoàng đế - bao gồm một thanh bảo kiếm và một vật phẩm quý giá - được đặt bên cạnh nhau, cùng với chiếc ấn.

Trong khi đó, bộ trang phục của hoàng đế vẫn được giữ kín trong một chiếc hộp suốt buổi lễ, theo Guardian.

Thái tử Naruhito sẽ tiếp quản ngai vàng vào sáng ngày 1/5 trong một buổi lễ ngắn gọn tương tự. Trong buổi lễ này, thái tử sẽ tiếp nhận trang phục hoàng gia trước khi có bài phát biểu đầu tiên với tư cách tân hoàng đế.

Những người phụ nữ trong hoàng tộc sẽ không được tham dự lễ nối ngôi. Chính phủ quyết định giữ gìn truyền thống này bất chấp sự phản đối từ một số bộ phận công chúng. Triều đại mới của nước Nhật, với tên gọi Reiwa (Lệnh hòa), sẽ chính thức bắt đầu vào ngày mai (1/5).

Nhat hoang thoai vi anh 3
Thái tử Naruhito và Công nương Masako trong lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito. Ảnh: Reuters.

Mang Hoàng gia lại gần công chúng

Nhật hoàng Akihito không phải là "vị thần". Hoàng gia Nhật Bản thường được xem là con cháu của Nữ thần Mặt trời. Vào thời cha của Nhật hoàng Akihito, tức Nhật hoàng Hirohito, các binh sĩ Nhật đã chiến đấu dưới danh nghĩa phục vụ cho ông trong Thế Chiến 2 và xem ông là một vị thần sống. Khi Nhật Bản đầu hàng năm 1945, Nhật hoàng Hirohito đã công khai từ bỏ sự thần thánh của mình.

Vài giờ trước lễ thoái vị, nhiều người đã tập trung bên ngoài cung điện bất chấp thời tiết ẩm ướt và lạnh lẽo bất thường và dù họ không được phép nhìn vào bên trong.

"Chúng tôi đến vì hôm nay là ngày cuối cùng của thời Heisei và chúng tôi cảm thấy luyến tiếc", Akemi Yamauchi, 55 tuổi, đứng bên ngoài cung điện cùng chồng, nói với Japan Today.

Các chương trình trên truyền hình Nhật Bản đã bắt đầu đếm ngược đến nửa đêm, phần lớn phát nội dung liên quan đến sự kiện thoái vị và nhìn lại các sự kiện lớn trong thời đại của Akihito.

Nhat hoang thoai vi anh 4
Mọi người đến thăm hoàng cung ở Tokyo vào sáng 30/4. Ảnh: Reuters.

Akihito lên ngôi năm 1989 và cống hiến sự nghiệp của mình để bù đắp lỗi lầm trong cuộc chiến tranh dưới danh nghĩa của cha mình và đưa chế độ quân chủ vốn xa cách đến gần hơn với mọi người.

Với người vợ thường dân của mình, Hoàng hậu Michiko, ông đã dành nhiều thời gian gần gũi với công chúng, đặc biệt là những người khuyết tật và bị phân biệt đối xử, cũng như nạn nhân trong các thảm họa, động viên họ vượt qua khó khăn.

Những nỗ lực của Akihito đã giành được sự tôn trọng rộng rãi của người dân. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy sự ủng hộ của công chúng đối với gia đình hoàng gia ở mức 80%, cao nhất từ trước đến nay đối với hoàng gia.

5 điều thú vị về Nhật hoàng Akihito thoái vị hôm nay Akihito là hoàng đế Nhật Bản đầu tiên thoái vị trong hơn 200 năm. Ông đã hòa giải các mối quan hệ với những nước bị Nhật Bản xâm chiếm trong Thế chiến II.

Cuộc đời Nhật hoàng Akihito qua ảnh: Bộ mặt nước Nhật suốt 3 thập kỷ

Sau 30 năm trị vì, Nhật hoàng Akihito chính thức thoái vị ngày 30/4, nhường ngôi cho Thái tử Naruhito. Triều đại của ông bắt đầu ngày 7/1/1989 sau khi Nhật hoàng Hirohito qua đời.

Các hoàng gia tìm cách hiện đại hóa để duy trì ngôi báu trên thế giới

Với các hoàng gia trong chế độ quân chủ lập hiến như Nhật Bản, tìm cách giữ mối liên hệ với người dân là chìa khóa sống còn cho sự tồn tại của họ.

Tuyết Mai - Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm