Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các hoàng gia tìm cách hiện đại hóa để duy trì ngôi báu trên thế giới

Với các hoàng gia trong chế độ quân chủ lập hiến như Nhật Bản, tìm cách giữ mối liên hệ với người dân là chìa khóa sống còn cho sự tồn tại của họ.

Chưa đầy 100 năm trước, Nhật hoàng được xem như một vị thần dưới hình dạng con người. Nhưng ba thập kỷ qua, Hoàng đế Akihito đã làm mọi thứ để nhân hóa chính bản thân mình.

Ông gặp vợ tương lai, Michiko Shoda, tại một giải đấu quần vợt. Sau đó, ông trở thành Nhật hoàng đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm của hoàng gia kết hôn với một người ngoài giới quý tộc. 

Người phá vỡ truyền thống

Khi cặp đôi có con, họ trở thành những thành viên hoàng gia Nhật Bản đầu tiên nuôi nấng con cái mà không cần trợ giúp. Họ thậm chí còn tự làm hộp cơm trưa để các con mang đến trường.

hoang gia Nhat Ban anh 1
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko. Ảnh: Getty.

Sau khi Nhật Bản hứng chịu trận động đất và sóng thần kinh hoàng vào năm 2011, Hoàng đế Akihito và Hoàng hậu Michiko mặc trang phục giản dị để quỳ xuống bên cạnh những người sống sót trong phòng thể chất của một trường học, điều chưa từng thấy đối với các hoàng đế trước đây.

Giờ đây, Akihito sẽ trở thành hoàng đế đầu tiên trong lịch sử hiện đại thoái vị.

Khi vị "hoàng đế nhân dân" với giọng nói nhỏ nhẹ trao lại danh hiệu cho con trai 59 tuổi Naruhito vào cuối tháng này, ông sẽ được nhớ đến như người phá vỡ truyền thống.

Theo CNN, người đứng đầu hoàng gia Nhật Bản không đơn độc trong nỗ lực hiện đại hóa chế độ quân chủ.

Có khoảng 43 quốc gia trên thế giới do các vị vua trị vì. Một số đang tích cực thay đổi hình ảnh để lấy lòng và duy trì cảm tình của công chúng.

Đối với các hoàng gia, việc tìm cách giữ mối liên hệ với người dân có thể là chìa khóa cho sự sống còn của họ.

Trong khi các hoàng gia trong chế độ quân chủ chuyên chế không phải lo ngại ý kiến công chúng, các hoàng gia trong chế độ quân chủ lập hiến, như Nhật Bản hoặc Vương quốc Anh, có thể bị phế truất nếu làn sóng dư luận chống lại họ. 

Tại Australia, nhà lãnh đạo phe đối lập Bill Shorten nói rằng nếu đảng của ông chiến thắng cuộc bầu cử sắp tới, ông sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc quốc gia này có nên chuyển sang chế độ cộng hòa hay không. 

Nếu họ bỏ phiếu để trở thành một nước cộng hòa, đó sẽ là bước đầu tiên trong quá trình loại bỏ nữ hoàng khỏi vị trí nguyên thủ quốc gia.

"Các hoàng gia trên khắp thế giới phải biết cân bằng một cách tinh tế giữa truyền thống và hiện đại. Nếu họ xa rời một trong hai thứ, họ sẽ gặp rủi ro", Phó giáo sư Arianne Chernock của Đại học Boston, người nghiên cứu các chế độ quân chủ châu Âu, cho biết.

Biến chuyển theo thời đại

Các hoàng gia đã cố gắng duy trì sự cân bằng và vị thế đặc biệt của họ trong hàng thế kỷ. Nữ hoàng Victoria của Anh, người trị vì từ năm 1837 đến 1901, ban đầu lo ngại rằng những bức ảnh có thể khiến bà trở nên tầm thường trước khi nhận ra chúng sẽ giúp bà kết nối với công chúng.

Ngày nay, chính Hoàng tử Harry 34 tuổi của Vương quốc Anh đang thúc đẩy chế độ quân chủ Anh biến chuyển theo thời đại.

Khi còn là một thiếu niên, Harry được biết đến là người thích tiệc tùng. Khi trưởng thành, hoàng tử theo đuổi vai trò đại sứ cho hoàng gia Anh.

Được biết đến với bản tính dễ mến, Harry tự đi mua sắm hàng tạp hóa và thậm chí đã tham gia một cuộc đố vui ở quán rượu trong chuyến đi năm 2015 đến New Zealand.

hoang gia Nhat Ban anh 2
Hoàng tử Harry và Công nương Meghan xem một trận bóng bầu dục ở Asni, Morroco, ngày 24/2. Ảnh: Getty.

"Chúng tôi tham gia vào việc hiện đại hóa chế độ quân chủ Anh. Chúng tôi không làm điều này cho bản thân mà vì lợi ích lớn hơn của người dân", Harry nói với Newsweek năm 2017.

Năm ngoái, Harry đã phá vỡ truyền thống một lần nữa khi kết hôn với Meghan Markle, nữ diễn viên người Mỹ từng có một đời chồng. 

Hoàng tử nói rằng rất khó để đạt được sự cân bằng của sự "giản dị" trong khi duy trì sự kỳ diệu của hoàng gia.

Theo Chernock, khi hoàng gia trở nên quá dễ tiếp cận, nó có thể tạo ra vấn đề. "Bởi vì sau đó, bí ẩn ở đâu, sự quyến rũ ở đâu và tại sao người ta nộp thuế để hỗ trợ tổ chức này?", Chernock nói với CNN.

Giá trị của hoàng gia

Việc duy trì hoàng gia rất tốn kém. Vì vậy, họ cần thể hiện giá trị của mình.

Ví dụ, tại Vương quốc Anh, người nộp thuế đóng cho gia đình hoàng gia 76,1 triệu bảng (100,5 triệu USD vào thời điểm đó) trong năm tài chính 2017-2018.

"Thách thức đối với các hoàng gia như Windsors (gia đình hoàng gia Anh hiện tại) là thuyết phục công chúng rằng họ xứng đáng với số tiền cần có để được duy trì và bảo tồn", Bastin của Đại học Flinder nói.

Chế độ quân chủ cũng có thể đem lại lợi ích thực sự. Theo tổ chức định giá kinh doanh và tư vấn chiến lược Brand Finance có trụ sở tại London, chỉ riêng năm 2017, chế độ quân chủ Anh đã tạo ra 1,77 tỷ bảng Anh (2,34 tỷ USD) cho nền kinh tế Anh.

Theo Chernock, hoàng gia có thể thúc đẩy tinh thần yêu nước mà không cần phải tham gia vào các mánh khóe chính trị. Có một chế độ quân chủ có thể tốt cho bản sắc dân tộc và là điểm tựa cho nước Anh khi tham gia các cuộc đàm phán mệt mỏi và gây chia rẽ để rời Liên minh châu Âu (EU).

hoang gia Nhat Ban anh 3
Nhật hoàng Akihito (phải) và Thái tử Naruhito (trái) vẫy chào đám đông trong lễ mừng năm mới ở Hoàng cung tại Tokyo, ngày 2/1. Ảnh: AFP/Getty.

Mặc dù Nhật hoàng Akihito từng đưa ra quan điểm tránh xa chính trị, ông đã bày tỏ "sự hối hận sâu sắc" đối với các hành động của Nhật Bản trong Thế chiến II. 

Thái độ của ông trái ngược với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người từng nói rằng các thế hệ tương lai không cần phải tiếp tục xin lỗi về quá khứ của đất nước.

Tên của hoàng đế kế vị Naruhito có nghĩa là "người sẽ có những phẩm hạnh siêu phàm". Tuy nhiên, thái tử không có dấu hiệu muốn trở lại thời đại của các vị á thần mà muốn tiếp bước cha của mình khi lên ngôi vào ngày 1/5.

Naruhito kết hôn với người không thuộc hoàng gia là Masako Owado vào năm 1993. Ông từng bày tỏ rằng ông sẽ tiếp tục lên tiếng chống lại lịch sử xét lại của Thế chiến II.

"Bản thân tôi không trải qua chiến tranh. Nhưng tôi nghĩ rằng ngày nay, khi những ký ức về cuộc chiến đang mờ dần, việc nhìn lại quá khứ một cách khiêm nhường, vượt qua những trải nghiệm bi thảm và truyền lại lịch sử Nhật Bản từ thế hệ trải qua chiến tranh cho những người không có hiểu biết trực tiếp là rất quan trọng", ông nói trong sinh nhật 55 tuổi vào năm 2015.

Ông cũng hứa xây dựng triều đại dựa trên di sản của cha mình.

"Tôi muốn hoàn thành nghiêm túc nhiệm vụ của mình bằng cách luôn gần gũi với mọi người và chia sẻ với họ niềm vui và nỗi buồn của họ", ông nói trong một cuộc họp báo vào tháng hai.

Theo Bastin, các chế độ quân chủ lập hiến sẽ chỉ tồn tại chừng nào công chúng mong muốn họ ở đó, miễn là họ chiếm được ảo tưởng của công chúng.

"Hoàng gia không tồn tại nếu không có chúng ta, họ ở đó vì chúng ta", bà nói.

Trước triều đại mới, Nhật Bản tranh cãi việc để phụ nữ trị vì

Việc Nhật hoàng thoái vị vào cuối tháng này làm dấy lên lo ngại về tương lai của hoàng gia Nhật Bản với quy tắc kế thừa ngôi vị chỉ dành cho nam giới.

'Cơn sốt' niên hiệu Reiwa quét qua Nhật Bản trước triều đại mới

Không khí lễ hội tràn ngập đất nước Nhật Bản vừa chào đón niên hiệu "Reiwa" của triều đại mới, triều đại sẽ mở ra sau khi Thái tử Naruhito đăng cơ ngày 1/5.

Tuyết Mai

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm