Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bài thơ cổ 1.300 năm và niên hiệu mới đặc biệt của nước Nhật

Niên hiệu cho triều đại mới tại Nhật Bản, đất nước theo chế độ quân chủ lập hiến, đã được lựa chọn, nhưng không phải tất cả đều thống nhất về ý nghĩa của từ này.

Nhật Bản công bố triều đại mới 'Reiwa' Chính phủ Nhật Bản thông báo triều đại mới của nước này dưới thời Nhật hoàng Naruhito sẽ có niên hiệu là Reiwa, sẽ bắt đầu vào ngày 1/5.

Chính phủ Nhật Bản hôm 1/4 chính thức tiết lộ niên hiệu của triều đại mới bắt đầu từ ngày 1/5, sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị. Nhà vua 85 tuổi là người đầu tiên chủ động từ bỏ ngôi vị trong hơn 200 năm qua, kết thúc triều đại được gọi là "Heisei".

Niên hiệu mới, được Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga tiết lộ kịch tính trong buổi họp báo, là "Reiwa". Niên hiệu này sẽ gắn liền với thái tử Naruhito, 59 tuổi, người sắp trở thành Nhật hoàng tiếp theo.

Ngay sau khi cái tên được công bố, công chúng lập tức bàn luận về ý nghĩa của nó, nhiệm vụ khó khăn do bản chất của chữ "kanji" (Hán tự) trong tiếng Nhật. Lần này, việc đoán định còn khó hơn do đây là cái tên được ghép từ hai chữ Hán riêng biệt.

nhat ban co nien hieu moi anh 1
Nhà vua Akihito (phải) sẽ thoái vị vào ngày 30/4 và nhường ngôi cho Thái tử Naruhito (trái). Ảnh: AFP/Jiji Press.

Tranh cãi về ý nghĩa

Thủ tướng Shinzo Abe nói niên hiệu mới được chọn từ tập thơ cổ nhất Nhật Bản có tên là Vạn Diệp Tập, ra đời vào năm 730. Hai chữ "rei" và "wa" xuất hiện trong bài thơ nói về sự bung nở của hoa mơ sau mùa đông khắc nghiệt.

"Như hoa mơ bung nở diệu kỳ sau mùa đông băng giá, báo hiệu mùa xuân tới, mỗi người dân Nhật Bản đều có thể hy vọng về tương lai và bung nở những bông hoa của chính mình", ông Abe nói với phóng viên tại Tokyo, theo Guardian.

"Đất nước chúng ta đang đứng trước bước ngoặt lớn, nhưng có nhiều giá trị Nhật không thể để phai nhạt. Chúng ta tự hào về lịch sử, văn hóa và truyền thống của chúng ta, và từ này thể hiện nước Nhật của ngày mai, nước Nhật mà chúng ta muốn xây dựng cho thế hệ tương lai".

"Đó là điểm quyết định trong việc lựa chọn cái tên này", thủ tướng Nhật nói thêm, song không cho biết cụ thể cái tên đã được lựa chọn thế nào hay những phương án khác đã được cân nhắc là gì.

Chữ "rei" có âm Hán Việt quen thuộc là "lệnh", với ý nghĩa phổ biến xuất hiện trong các từ như "mệnh lệnh", "khẩu lệnh"... Song chữ này còn có nghĩa khác là "tốt đẹp", được thấy qua các từ như "lệnh danh" (tiếng tăm), "lệnh đức" (phẩm chất tốt)... Ngoài ra, chữ này còn được dùng để gọi người khác một cách tôn kính như "lệnh huynh", "lệnh đệ"...

Trong khi đó, chữ "wa", với âm Hán Việt là "hòa", là chữ tương đối phổ biến (triều đại ngay trước triều đại hiện tại là "Chiêu Hòa"). Chữ "hòa" có ý nghĩa là "hòa bình", "hòa thuận", "hài hòa" và cũng là tên nước Nhật cổ (Yamato hay Đại Hòa).

Trong bài thơ về hoa mơ mà Thủ tướng Abe nhắc đến, hai chữ này xuất hiện trong câu "Sơ xuân lệnh nguyệt, khí thục phong hòa", dịch nghĩa là "Đầu xuân tháng tốt, không khí trong lành, gió thổi nhè nhẹ".

nhat ban co nien hieu moi anh 2
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga công bố niên hiệu mới "Reiwa" trong buổi họp báo hôm 1/4. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, một số nhà bình luận lưu ý rằng nội các của ông Abe, vốn thiên hữu và cổ xúy mở rộng vai trò của quân đội mà Nhật Bản vẫn đang gọi là "lực lượng phòng vệ", đã chọn cái tên bao gồm chữ có thể mang hàm ý "trật tự" hay "luật lệ".

Trong email gửi đến phóng viên, ông Tomoaki Ishigaki, phát ngôn viên văn phòng thủ tướng, viết rằng việc hiểu từ "reiwa" có nghĩa là "trật tự và hòa bình" không phải là "ý nghĩa như mong muốn".

Ông Ishigaki chỉ ra một số phát biểu của ông Abe, trong đó thủ tướng Nhật mô tả niên hiệu mới thể hiện "văn hóa hình thành và được nuôi dưỡng khi người ta đưa trái tim xích lại gần nhau với suy nghĩ tốt đẹp".

Theo nhà sử học Kenneth J. Ruoff, chuyên gia về nền quân chủ Nhật tại Đại học Bang Portland, với việc chọn niên hiệu từ thư tịch cổ Nhật Bản thay vì Trung Quốc như truyền thống, chính phủ của ông Abe đã đưa ra lựa chọn "có ý nghĩa rõ ràng".

"Ông ấy đã dùng mọi cách để nhấn mạnh rằng đây là truyền thống nước Nhật", giáo sư Ruoff nói, lưu ý rằng nếu không phải vậy thì ý nghĩa của niên hiệu mới "cực kỳ chung chung và mơ hồ".

Với Việt Nam, từ "reiwa" còn tạo ra khó khăn nữa vì bản thân chữ "rei" có hai âm Hán Việt khác là "linh" và "lịnh", ngoài âm "lệnh". Do đó, việc chọn cách phiên âm nào vẫn đang trông chờ vào hướng dẫn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản hoặc Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, theo ông Seiichi Kuriki, phó tổng biên tập bộ phận phát thanh truyền hình đa ngôn ngữ (bao gồm tiếng Việt) của kênh NHK World-Japan.

"Đài NHK chưa quyết định được lấy âm Hán Việt nào. Nếu có quyết định của Bộ Ngoại giao hay Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam thì đài NHK sẽ theo quyết định này", ông viết bằng tiếng Việt trên Facebook cá nhân. "Chúng tôi cũng chờ ai đó quyết định".

Sự kiện trọng đại

Hàng nghìn người đã tập trung tại các quảng trường ở thủ đô Tokyo để chờ đợi giây phút niên hiệu mới được công bố, theo New York Times. Các tờ báo đua nhau ra số đặc biệt kỷ niệm sự kiện. Tại khu Shinbashi của Tokyo, các nhân viên công sở tranh nhau lấy các trang báo với hai chữ "Reiwa" được in cỡ lớn.

"Sẽ có người bị thương đấy. Làm ơn hãy bình tĩnh!", một người bán báo hét lên khi đám đông giật mạnh chồng báo từ tay anh. Một người thanh niên giơ chiếc giày màu nâu vẫy vẫy và hô to: "Ai đó mất giày!".

Các doanh nghiệp, nhất là những nơi sản xuất đồ chơi, lịch, tem chính thức, mau chóng giới thiệu các phiên bản sản phẩm có tên niên hiệu mới.

Thông báo hôm 1/4 thậm chí đã giúp tăng giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán Nhật. Cổ phiếu của công ty sách Bunkyodo tăng 29% do những kỳ vọng rằng người dân sẽ đổ xô đi mua tập thơ Vạn Diệp Tập. Trong khi đó, cổ phiếu công ty quảng cáo Ray, phát âm gần giống chữ "rei", tăng 19%.

nhat ban co nien hieu moi anh 3
Một phụ nữ cầm trang báo nhàu nát có hình ảnh lúc niên hiệu mới được công bố hôm 1/4. Ảnh: AFP/Getty.

Nhật Bản vẫn dùng lịch theo niên hiệu hoàng gia (ví dụ năm 2019 sẽ được gọi là "Reiwa nguyên niên", tức năm Reiwa đầu tiên), song song với lịch phương Tây, trong các tài liệu chính thức như bằng lái xe, cũng như để ghi ngày tháng trên báo chí và các xuất bản phẩm khác. Hệ thống niên hiệu đã tồn tại hơn 1.000 năm ở Nhật và những cái tên này được dùng để mô tả những giai đoạn lịch sử tương ứng.

Chẳng hạn, thời kỳ Showa (1926-1989), tức "Chiêu Hòa", với sự trị vì của Nhật hoàng Hirohito, ông nội của nhà vua sắp lên ngôi, chứng kiến nước Nhật trải qua sự quân phiệt hóa, thất bại trong Thế chiến 2, hồi sinh từ đống tro tàn và chuyển mình thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, thời kỳ Heisei (1989-2019), tức "Bình Thành", được nhắc đến với sự sụp đổ của bong bóng kinh tế tại Nhật, kéo theo hai "thập kỷ mất mát" với lạm phát tăng cao, cũng như thảm họa kép động đất - sóng thần ở miền đông bắc nước này năm 2011.

Nước Nhật đã có tổng cộng 247 niên hiệu kể từ khi hoàng đế Kotoku đặt cái tên đầu tiên vào năm 645. Từ thời Meiji (1868-1912), tức "Minh Trị", mỗi hoàng đế sẽ gắn với một niên hiệu duy nhất trong suốt giai đoạn trị vì, theo quy định gọi là "nhất thế nhất nguyên chế".

Theo truyền thông Nhật Bản, chính phủ nước này đã lựa chọn niên hiệu "Reiwa" từ 6 cái tên sau khi tham vấn với nhóm gồm 9 chuyên gia. Nhà vua Akihito hay thái tử Naruhito không tham gia vào quá trình này.

Nhật công bố tên triều đại mới là 'Reiwa' từ văn học cổ điển

Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga đã tuyên bố Triều đại Nhật Hoàng mới sẽ có niên hiệu “Reiwa”. Chính phủ cho biết niên hiệu này được lấy từ văn học cổ điển Nhật Bản.

Công ty BĐS Australia nổi tiếng sau khi Nhật công bố tên triều đại mới

Công ty bất động sản bất ngờ thành ngôi sao mạng xã hội sau khi chính phủ Nhật Bản công bố niên hiệu của triều đại mới sẽ là "Reiwa", trùng với tên viết tắt của công ty.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm