Niên hiệu này có âm Hán Việt là "Lệnh hòa" và sẽ được Thủ tướng Shinzo Abe giải thích ý nghĩa trong cuộc họp báo. Đây là lựa chọn từ 5 đề xuất.
Việc công bố niên hiệu mới diễn ra đúng một tháng trước cột mốc lịch sử ngày 30/4 khi Nhật hoàng Akihito sẽ chính thức thoái vị và nhường “ngai vàng hoa cúc” cho con trai Naruhito.
Đây là sự kiện lịch sử ở Nhật, được đánh dấu bằng hàng loạt đặc san từ các báo, triển lãm thư pháp và các lễ kỷ niệm cho công chúng.
Ngày 30/4 tới, Nhật hoàng Akihito (trái) sẽ chính thức thoái vị ở tuổi 85 vì lý do sức khỏe, nhường ngai vàng cho con trai Naruhito, kết thúc triều đại hiện nay có niên hiệu "Heisei". Ảnh: Kyodo. |
Theo hãng tin AFP, lịch phương Tây được sử dụng rộng rãi ở Nhật, nhưng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cũng là nước duy nhất sử dụng lịch hoàng gia cho các tài liệu chính phủ cũng như tư nhân và trong hệ thống máy tính.
Do đó, tên của triều đại mới sẽ có tác động lớn đến cuộc sống hàng ngày và người Nhật khắp nơi đang nóng lòng dự đoán niên hiệu sẽ thay triều đại hiện nay của Nhật hoàng Akihito mang tên “Heisei”, có nghĩa “hòa bình ngự trị mọi nơi”.
Các cuộc họp được giữ bí mật tuyệt đối đã diễn ra trong nhiều tháng để chọn tên triều đại mới, với yêu cầu phải “có ý nghĩa tích cực và lý tưởng cho người Nhật”, truyền thông Nhật dẫn lời các nguồn tin chính phủ.
Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga công bố tên triều đại mới của nước Nhật. Ảnh: Kyodo. |
Lựa chọn cuối cùng được đưa ra vào ngày 1/4. Một hội đồng chín thành viên, được cho là bao gồm nhà khoa học tế bào gốc đạt giải Nobel Shinya Yamanaka, sẽ chọn ra niên hiệu từ ít nhất năm cái tên do các học giả đề nghị.
Niên hiệu mới phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe: chỉ bao gồm hai chữ “kanji”, dễ đọc và viết, và không phải là tên phổ biến. Niên hiệu mới nhiều khả năng cũng không được bắt đầu bằng chữ đầu tiên của tên bốn triều đại trước: Heisei, Showa, Taisho và Meiji.
Việc dự đoán niên hiệu mới đã trở thành cơn sốt trên mạng. Tên các doanh nghiệp và những cái tên phổ biến từ các cuộc thi dự đoán (do tư nhân tổ chức) đã được loại trừ.
Nhật Bản đã có gần 250 niên hiệu khác nhau kể từ khi áp dụng hệ thống này từ thế kỷ 7.
Búp bê truyền thống Nhật theo hình của Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga (trái) và Thủ tướng Shinzo Abe đang cầm một cái tên được đồn đoán của triều đại Nhật hoàng Naruhito sắp lên ngôi. Ảnh: AP. |
Trước thời kỳ Meiji (Minh Trị) từ năm 1868-1912, niên hiệu thường được thay đổi dù vẫn trong cùng một triều đại, để đất nước bước sang trang mới sau thiên tai hay nạn đói. Kể từ thời kỳ Meiji, mỗi triều đại Nhật Bản chỉ có một niên hiệu.
Nhưng thay đổi tên triều đại cũng là sự kiện phức tạp, khi lịch hoàng gia phải được in lại và chính quyền các cấp phải vất vả thay đổi tên trên tài liệu chính thức.
Các công ty công nghệ cũng lo sợ sự cố máy tính tương tự lỗi “Y2K” đã gây lo ngại rộng rãi trước thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ năm 2000.
Một số khác lại coi thay đổi niên hiệu là một cơ hội kiếm lời.
Các công ty sản xuất con dấu - được sử dụng rộng rãi trên giấy tờ ở Nhật - dự kiến sẽ bội tiền, và họ cho biết đã nhận được nhiều đơn đặt hàng. Người buôn bán cổ phiếu cũng hy vọng triều đại mới sẽ đẩy thị trường chứng khoán vốn đang bấp bênh đi lên.
“Cổ phiếu liên quan tới thay đổi triều đại như của các công ty in ấn đang được tìm mua rộng rãi”, Toshikazu Horiuchi, người môi giới chứng khoán ở IwaiCosmo Securities, nói với AFP.
Sự kiện công bố niên hiệu trọng đại tới mức Keizo Obuchi, cựu chánh văn phòng nội các là người công bố niên hiệu Heisei khi kết thúc triều đại trước vào năm 1989, được nhớ đến nhờ khoảnh khắc này hơn mọi thành tựu trong sự nghiệp chính trị của ông, bao gồm cả thời gian làm thủ tướng (1998-2000). Ảnh: Kyodo. |