Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Nhật hoàng mới, kỷ nguyên mới, nước Nhật có sang trang?

Dưới thời Nhật hoàng Akihito, Nhật Bản đã trải qua những năm kinh tế trì trệ, nhưng cũng chứng kiến thay đổi về mọi mặt. Liệu triều đại mới có là bước ngoặt cho nước Nhật?

nhat hoang Akihito thoai vi anh 1nhat hoang Akihito thoai vi anh 2

Trong 3 thập kỷ trị vì của Nhật hoàng Akihito, nước Nhật trải qua những năm kinh tế trì trệ, nhưng đồng thời đã đạt được nhiều thành tựu, vượt qua các thiên tai, và chứng kiến thay đổi về mọi mặt. Liệu ngày trọng đại khi Nhật hoàng mới lên ngôi có trở thành bước ngoặt mới cho đất nước Mặt Trời mọc?

Năm 1989 là một năm đặc biệt trong trí nhớ của người Nhật. Ngày 7/1/1989, Nhật hoàng Hirohito băng hà, và đó trở thành ngày cuối cùng trong triều đại của ông, được đặt tên là thời kỳ Showa. Thời kỳ Heisei của Nhật hoàng Akihito, con trai ông, bắt đầu vào ngày hôm sau.

Sự kiện này tác động đến mọi người Nhật. Trên lịch treo tường và giấy tờ ở khắp Nhật Bản, ngày 8/1/1989 phải được đổi thành ngày đầu tiên của năm Heisei thứ nhất, theo lịch hoàng gia được người Nhật dùng song song với lịch phương Tây. Nhưng không chỉ vậy, khi hoàng gia sang triều đại mới, người Nhật coi như một chặng đường đã khép lại trong lịch sử.

30 năm sau, Nhật Bản đang đứng trước thay đổi tương tự. Ngày 30/4 tới, Nhật hoàng Akihito sẽ chính thức thoái vị ở tuổi 85 vì lý do sức khỏe, nhường ngai vàng cho con trai Naruhito.

nhat hoang Akihito thoai vi anh 3
Người Nhật đứng nghe Nhật hoàng tuyên bố về ý định thoái vị vào năm 2016. Ảnh: AP.

nhat hoang Akihito thoai vi anh 4

Các triều đại của Nhật hoàng chính là các giai đoạn để người Nhật hồi tưởng lại lịch sử, tương tự cách hồi tưởng thập niên 1960, 1970... ở phương Tây. Giờ đây, khi đang chuẩn bị kết thúc thời kỳ Heisei ngày 30/4, cả nước Nhật đang nhìn lại 30 năm thăng trầm qua.

Báo chí từ nhiều tháng nay đã điểm lại những sự kiện và thay đổi nổi bật ở xứ sở hoa anh đào có thể được coi là tiêu biểu cho cả thời kỳ Heisei, đồng thời suy tư về triều đại mới.

nhat hoang Akihito thoai vi anh 5

Nhật hoàng Akihito chào người dân Nhật trong lần phát biểu chúc mừng năm mới cuối cùng với tư cách Nhật hoàng ngày 2/1. Ảnh: Reuters.

Tờ Nikkei Asian Review cho biết trong 30 năm nay, quá trình chọn lựa và công bố niên hiệu mới đã được tập dượt ít nhất một năm một lần để chuẩn cho ngày chắc chắn sẽ đến. Một quan chức cao cấp từng làm công tác này nói nhiều niên hiệu được đề xuất và viết ra bởi các chuyên gia về văn học kinh điển Trung Quốc và Nhật Bản, rồi cất giữ trong két sắt trong một tòa nhà chính phủ.

Niên hiệu mới sau thời kỳ Heisei đang được giữ bí mật đến phút chót khi việc nhường ngôi luôn là một sự kiện trọng đại.

nhat hoang Akihito thoai vi anh 6nhat hoang Akihito thoai vi anh 7

Các quan chức nội các sẽ họp để chọn ra niên hiệu, nhưng họ sẽ phải để thiết bị di động ở ngoài. “Tôi không có lựa chọn … Việc này chỉ diễn ra vài thập kỷ một lần và tôi không muốn bị nghi ngờ làm lộ thông tin”, một quan chức nói với Nikkei Asian Review.

Họ phải ở lại trong phòng cho đến khi chính thức công bố niên hiệu vào khoảng trưa ngày 1/4, khi Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ hé lộ tên của triều đại mới được viết bằng mực sumi truyền thống trên giấy shikishi.

Sự kiện này trọng đại tới mức Keizo Obuchi, cựu chánh văn phòng nội các là người công bố niên hiệu Heisei khi kết thúc triều đại trước vào năm 1989, được nhớ đến nhờ khoảnh khắc này hơn mọi thành tựu trong sự nghiệp chính trị của ông, bao gồm cả thời gian làm thủ tướng (1998-2000).

nhat hoang Akihito thoai vi anh 8
Giây phút lịch sử khi cựu chánh văn phòng nội các Keizo Obuchi công bố niên hiệu “Heisei” của Nhật hoàng Akihito. “Heisei” có nghĩa “bình thành”. Ảnh: Kyodo.

nhat hoang Akihito thoai vi anh 9

Thời kỳ Heisei bắt đầu với bong bóng nhà đất và chứng khoán. Người Nhật hào hứng khi cuốn sách mang tên “Nước Nhật là số một” ra mắt. Đúng như tên cuốn sách, người Nhật cũng hào hứng với hai thương vụ thể hiện sức mạnh của Nhật và sự đi xuống của Mỹ - Sony mua lại Columbia Pictures của Hollywood, còn Mitsubishi mua lại tháp Rockefeller Center ở New York.

Nhưng chỉ ba năm sau, bong bóng nhà đất bị vỡ, hệ thống tài chính lâm vào khủng hoảng, làm tiền đề cho quãng thời gian dài kinh tế trì trệ được gọi là hai “thập kỷ bị đánh mất”. Trong giai đoạn 1989-2017, GDP thực (đã điều chỉnh theo lạm phát) của Nhật tăng chỉ 59%, so với 243% của Mỹ và 3.419% của Trung Quốc.

Kể từ đó, Trung Quốc đã vượt qua Nhật, đứng thứ hai thế giới về kinh tế. Nhật mất thế thống trị về hàng điện tử. Dân số từng thuộc loại trẻ và triển vọng đã trở nên già nua.

nhat hoang Akihito thoai vi anh 10nhat hoang Akihito thoai vi anh 11

“Nhật Bản đang gặp nhiều thách thức, như bất bình đẳng giới, làm việc quá sức, và dân số già đi. Nhưng đây cũng là một xã hội có ích”, Nancy Snow, giáo sư ngoại giao công chúng ở Đại học Kyoto, nói với. “Nhật Bản tạo ra những sản phẩm thế giới cần, và là nơi nắm bắt được tương lai”.

Yasunori Sone, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Keio, Tokyo, cho rằng Nhật Bản đang chậm trễ trong việc tạo ra hệ thống an sinh xã hội để đối phó với cuộc khủng hoảng dân số sắp xảy đến.

“Dân số sẽ già đi. Cách biệt giàu nghèo sẽ tăng lên. 30 năm tới sẽ còn khó khăn hơn 30 năm vừa qua. Nhưng mọi người không có vẻ lo lắng”, ông Sone nói. 

nhat hoang Akihito thoai vi anh 12Heisei cũng là thời kỳ tạo nên hình tượng mới cho hoàng gia Nhật Bản đã trở nên gần gũi hơn với dân chúng. Nhật hoàng Akihito đã đi khắp đất nước và tiếp xúc với người dân nhiều hơn các triều đại trước.

Chẳng hạn, Nhật hoàng và Hoàng hậu Michiko không phản đối khi trong một chuyến thăm, một cô bé học sinh chụp ảnh họ và đăng lên Twitter – hành vi gây tranh cãi trong dư luận Nhật. Thế hệ trước coi đó là hành vi bất kính, còn những người trẻ cho là bình thường, theo BBC.

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu đã đến thăm nạn nhân các thảm họa động đất ở Kobe năm 1995 và ở tỉnh Miyagi năm 2011, hình ảnh “trái ngược hẳn với sự xa cách người dân của cha ông, Nhật hoàng Hirohito, người được coi như thánh”, Reuters bình luận vào năm 2011. Hình ảnh hoàng gia đến tận nơi để ôm lấy và động viên người dân chỉ có dưới thời Heisei.

Và dù Nhật hoàng Akihito, biểu tượng của nhà nước, không có quyền lực chính trị, ông vẫn sẵn sàng chạm đến các chủ đề tranh cãi. Ông khen ngợi Hiến pháp chuộng hòa bình của Nhật, xin lỗi Trung Quốc và Hàn Quốc về những đau khổ do Nhật Bản gây ra, và từ chối thăm đền Yasukuni thờ tướng lĩnh Nhật bị thế giới coi là tội phạm chiến tranh, theo Guardian.

Ông cũng đặt vòng hoa ở Hawaii năm 1994, nhưng phải hủy bỏ kế hoạch đến thăm Trân Châu Cảng do biểu tình dữ dội từ lực lượng cánh hữu dân tộc chủ nghĩa ở Nhật Bản, theo New York Times.

Phải đến năm 2016, Thủ tướng Shinzo Abe mới có thể tới thăm Trân Châu Cảng. Chỉ đơn thuần việc ông có thể đến đó đã cho thấy dư luận Nhật đã thay đổi nhiều đến mức nào sau 20 năm trong thời kỳ Heisei, xa rời quan điểm bảo thủ của quá khứ về chiến tranh.

nhat hoang Akihito thoai vi anh 15

Chính trị Nhật Bản trong triều đại này được coi là hỗn loạn. Hầu hết thủ tướng Nhật chỉ tại vị được khoảng một năm, trừ thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe và ông Junichiro Koizumi đều lãnh đạo trên năm năm. Trong 3 thập kỷ, Nhật Bản đã có 17 thủ tướng của năm đảng khác nhau.

Hai vụ bê bối tham nhũng liên quan đến hai công ty, Recruit và Sagawa Express, vào đầu thời kỳ Heisei buộc nhiều chính khách Nhật phải từ chức, bao gồm một thủ tướng. Một số cải cách dẫn đến việc đảng Dân chủ Tự do (LDP), vốn đã nắm quyền nhiều thập kỷ, bị mất quyền hai lần trong triều đại của Nhật hoàng Akihito.

Cử tri Nhật trở nên hoài nghi với chính trị, và hy vọng các cải cách sẽ tạo sự cân bằng và chuyển giao quyền lực thường xuyên giữa các đảng, như ở Mỹ và Anh. Tuy nhiên, LDP vẫn quay trở lại nắm quyền vì các đảng đối lập quá yếu.

nhat hoang Akihito thoai vi anh 16
Thời kỳ Heisei chứng kiến sự sụp đổ và hồi sinh của đảng Dân chủ Tự do (LDP), đứng đầu hiện nay là Thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: Reuters.

Một thay đổi lớn trong thời kỳ Heisei là sự suy yếu của các quan niệm truyền thống về sự nghiệp, công việc và vai trò giới, tác giả Nobuko Kobayashi viết trong một bài bình luận trên Nikkei Asian Review.

Ngày nay, việc làm một nơi cả đời đã trở nên lỗi thời, và các nhân viên tự tìm ra sự nghiệp cho mình thay vì dành cả đời để leo nấc thang danh vọng ở một công ty. Sinh viên các trường hàng đầu như Đại học Tokyo có thể vẫn chọn làm việc trong các tập đoàn hay bộ ngành, nhưng họ có thể bỏ việc khi giữa 30 tuổi, có thể là để mở công ty hoặc chuyển sang việc khác. Họ linh hoạt hơn so với thế hệ trước.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào thị trường lao động tăng từ 55% lên 65% trong thời kỳ Heisei, và tuổi lập gia đình trung bình của phụ nữ đã tăng từ 26 lên 29.

nhat hoang Akihito thoai vi anh 17
Sinh viên Nhật tham dự một ngày hội việc làm ở Tokyo. Ảnh: Bloomberg.

Một số doanh nhân trẻ nói họ không theo đuổi lợi nhuận tối đa bằng mọi giá. Hyakushoku-ya, chuỗi nhà hàng ở Kyoto, là một ví dụ. Họ đặt ra giới hạn phục vụ 100 bữa ăn mỗi ngày. Các đầu bếp vui mừng với ca làm việc ngắn trong một nghề đòi hỏi làm rất nhiều giờ cho đến tối muộn.

Người trẻ Nhật bây giờ ngày càng tìm kiếm cuộc sống cho riêng mình. Chủ nghĩa cá nhân chưa hẳn đã là chủ đạo, nhưng đã hình thành. LGBT cũng không còn là điều cấm kỵ.

“Thời kỳ Heisei là giai đoạn mà mô hình gia đình truyền thống không còn được coi là bắt buộc”, Takeshi Goto, tác giả, sử gia và nhà nghiên cứu về thời kỳ Heisei, nói với Japan Times.

Trong thập niên 1960, 1970, Nhật Bản khuyến khích mô hình gia đình lý tưởng giống như ở các nước phát triển khác, trong đó người chồng là trụ cột về kinh tế, và người vợ ở nhà chăm con. Trong những năm tăng trưởng kinh tế đó, phần lớn đàn ông Nhật được được đảm bảo lương đủ cao, công việc suốt đời, kèm theo phúc lợi và lương hưu.

Tuy nhiên sau khi bong bóng nhà đất bị vỡ, nền kinh tế chững lại. Nhiều đàn ông Nhật Bản không còn có thể một mình hỗ trợ gia đình như trước, theo Japan Times.

Điều đó phần nào làm giảm số người muốn lập gia đình. Hiện nay, trong 10 triệu người trẻ chưa có gia đình được khảo sát, có tới 4 triệu nói không muốn có người yêu. Sự độc lập cũng dẫn đến số phụ nữ đi làm và sống độc lập tăng lên.

“Thay đổi lớn nhất trong thời kỳ Heisei là các phụ nữ trẻ có trình độ hay các bà mẹ đơn thân đã đi làm, không phải để kiếm thêm, mà để tự chủ cuộc sống và gia đình mình”, Chizuko Ueno, chuyên gia, tác giả 30 cuốn sách về nữ quyền, nói với Japan Times.

nhat hoang Akihito thoai vi anh 18
Ngày càng nhiều phụ nữ Nhật Bản tham gia vào thị trường lao động. Ảnh: Reuters.
nhat hoang Akihito thoai vi anh 19nhat hoang Akihito thoai vi anh 20

nhat hoang Akihito thoai vi anh 21

Thời kỳ Heisei cũng chứng kiến các bộ truyện tranh, phim hoạt hình Nhật Bản chiếm được trái tim khán giả thế giới, trong đó nổi bật là “Bảy viên ngọc rồng” và “Pokemon”, ra mắt những năm 1990. Hai biểu tượng toàn cầu của Nhật Bản vẫn đang lớn mạnh sau hơn 20 năm.

Đến nay, Son Goku trong “Bảy viên ngọc rồng” là nhân vật được ưa chuộng trong các ngày hội cosplay (hóa trang) trên toàn thế giới. Phim mới nhất trong loạt phim “Bảy viên ngọc rồng” mới ra mắt tháng 12/2018.

“Pokemon” nổi tiếng toàn cầu nhờ có cả hoạt hình, trò chơi, lẫn bộ bài. Nhân vật chính Pikachu lọt vào danh sách các bóng bay trong cuộc diễu hành nổi tiếng của các bóng bay khổng lồ vào lễ Tạ ơn hàng năm ở thành phố New York. Hai năm trước, trò chơi di động “Pokemon Go” là cơn sốt toàn thế giới, và phim “Pokemon” sẽ khởi chiếu tháng 5/2019.

Một biểu tượng nữa của Nhật Bản trên thế giới là trò chơi điện tử. Sony ghi dấu ấn với PlayStation, hệ máy và thiết bị chơi game đầu tiên vận dụng thành công đồ họa 3D. Nhắc đến game của Nhật, người Việt Nam chắc sẽ có nhiều kỷ niệm với dòng game “Final Fantasy”.

nhat hoang Akihito thoai vi anh 22
Bóng bay khổng lồ hình Pikachu trong cuộc diễu hành nổi tiếng vào lễ Tạ ơn ở thành phố New York, tháng 11/2016. Ảnh: AP.

Khi hồi tưởng lại thời kỳ Heisei, sẽ là thiếu nếu không nhắc đến Hideo Nomo. Khi anh chuẩn bị trở thành cầu thủ bóng chày Nhật Bản đầu tiên ra sân ở một trận All-Star tại Mỹ, ngày 12/7/1995, thì ở Nhật có “cơn sốt Nomo”, và hơn 1.000 fan đã tập trung trước màn hình lớn ở Shinjuku, Tokyo để dõi theo anh. “Các bạn có tin được không, các bạn có tin được không”, bình luận viên nói trên TV về giây phút lịch sử đó.

Thành công của Nomo mở đường cho các ngôi sao bóng chày Nhật Bản khác sang Mỹ như Ichiro Suzuki, Hideki Matsui và Masahiro Tanaka, đều đạt thành công vang dội, khiến fan ở Nhật cảm thấy tự hào.

nhat hoang Akihito thoai vi anh 23
Thành công của Nomo mở đường cho các ngôi sao bóng chày Nhật Bản khác sang Mỹ thi đấu. Ảnh: Reuters.

Nhật Bản trước đây không quá hứng thú với bóng đá, nhưng thời kỳ Heisei cũng thay đổi điều đó. Giải J-League được thành lập năm 1993 đã thay đổi quan niệm của fan, đồng thời giúp đội tuyển quốc gia lọt vào World Cup lần đầu tiên năm 1998. Hidetoshi Nakata và Shinji Ono đại diện cho nước Nhật tại các đội bóng châu Âu. Nhật Bản đăng cai World Cup 2002 cùng với Hàn Quốc, đưa giải đấu đến châu Á lần đầu tiên.

“Các cầu thủ có tác động còn hơn chính khách hay nhà ngoại giao … trước khi họ ra nước ngoài, Nhật chỉ được biết đến với các sản phẩm vô tri vô giác. Nhưng sau đó, nước Nhật được nâng tầm lên nhờ những con người như vậy”, Robert Whiting, tác giả một số cuốn sách về bóng chày Nhật, nói với Japan Times.

Không ai biết xu thế kinh tế, xã hội nào sẽ định hình kỷ nguyên hậu Heisei. Cũng không rõ liệu - hay bằng cách nào - kinh tế Nhật có thể trở lại, hay liệu Tokyo có thể vượt qua thách thức của một dân số ngày càng đang giảm. 

Lịch sử chỉ rằng bắt đầu kỷ nguyên mới thường trùng với những thay đổi lớn lao. 

Bắt đầu kỷ nguyên Meiji vào cuối thế kỷ 19, nước Nhật bắt đầu theo hệ thống tư bản chủ nghĩa và mở cửa với thế giới. Nhưng giai đoạn này cũng bắt đầu bằng một kết thúc của kỷ nguyên cũ: khi thời kỳ Meiji bắt đầu, những người lãnh đạo nước Nhật vẫn còn là samurai. 

Ông Sone nói rằng nước Nhật giờ cần một thế hệ mới để có thể tạo ra những thay đổi lớn lao cho kỷ nguyên mới. 

"Liệu thế hệ mới có thể làm những gì mà chúng tôi không thể?", ông Sone, một người sinh sau Thế chiến II, hỏi. "Tôi hy vọng là họ có thể". 

90.000 người hô 'vạn tuế' khi Nhật hoàng chúc năm mới lần cuối

Hàng chục nghìn người ngày 2/1 đã đổ về Hoàng cung Nhật Bản để được nhìn thấy Nhật hoàng Akihito đọc lời chúc năm mới lần cuối cùng trước khi thoái vị, kết lại ba thập niên trị vì.

Nhật hoàng Akihito đón sinh nhật cuối cùng trước khi thoái vị

Trong bài phát biểu cuối cùng nhân dịp sinh nhật trước khi thoái vị, Nhật hoàng Akihito cho biết ông cảm thấy nhẹ nhõm vì triều đại của mình sắp kết thúc trong hòa bình.

Trọng Thuấn

Đồ họa: Minh Hồng

Bạn có thể quan tâm