Luật này được thiết kế để giải quyết các vấn đề với "chương trình tu nghiệp sinh" hiện có, một biện pháp tạm thời nhằm đối phó tình trạng thiếu lao động kinh niên của đất nước.
Trong thực tế, những lao động theo diện "tu nghiệp sinh", hầu hết đến từ châu Á, thường làm việc như những lao động chi phí thấp.
Trong khi chương trình tu nghiệp sinh dành cho bất kỳ ai từ 18 tuổi trở lên, tình trạng cư trú mới dành cho công nhân có "kỹ năng được chỉ định loại 1" chỉ dành cho những người có các kỹ năng tiếng Nhật và kỹ thuật cần thiết.
Theo luật di trú sửa đổi, Nhật Bản sẽ chấp nhận lao động chân tay từ nước ngoài. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Không giống các tu nghiệp sinh - những người không thể chuyển đổi nhà tuyển dụng, những người có thị thực mới có thể thay đổi nhà tuyển dụng và ở lại đến 5 năm thông qua gia hạn hợp đồng hàng năm.
Theo Nikkei Asian Review, hầu hết người nộp đơn xin thị thực mới dự kiến là những người đã hoàn thành chương trình tu nghiệp sinh ba năm.
Thị thực cho cả tu nghiệp sinh và công nhân có kỹ năng được chỉ định chỉ được cấp cho các học viên hoặc chính người lao động.
Thị thực cho người phụ thuộc chỉ được cấp cho những người có "kỹ năng được chỉ định loại 2", tức cấp cao hơn. Thị thực loại 2 có thể được gia hạn vô thời hạn và cho phép người lao động đưa vợ/chồng và con cái của họ đến Nhật Bản. Hiện tại, chỉ có công nhân xây dựng và đóng tàu mới đủ điều kiện xin visa loại 2.
Những người đã hoàn thành chương trình tu nghiệp sinh ba năm đủ điều kiện cho thị thực loại 1. Những người chưa tham gia chương trình tu nghiệp sinh có thể đăng ký bằng cách làm bài kiểm tra ngôn ngữ và kỹ năng tại Nhật Bản hoặc tại quốc gia của họ.
Các bài kiểm tra sẽ được tổ chức tại 9 quốc gia châu Á, bao gồm Campuchia, Trung Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Khi ứng viên vượt qua các kỳ thi, họ phải tìm một vị trí công việc thông qua các cơ quan giới thiệu việc làm công cộng hoặc tư nhân. Sau khi nhận được lời mời làm việc, họ có thể xin visa.
Luật mới được kỳ vọng sẽ quản lý số lượng lớn lao động ở các công ty tư nhân hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, ngăn chặn tình trạng bóc lột lao động và làm rõ các quyền lao động khác, chẳng hạn nghỉ lễ được trả lương và nghỉ phép để lao động về thăm nhà. Ngoài ra, Bộ Tư pháp Nhật Bản cũng sẽ tìm cách ngăn chặn những người môi giới lao động bất hợp pháp.