Hiện tại, số phận của gia đình hoàng gia Nhật Bản dựa vào Hisahito, 12 tuổi, con trai của em trai Thái tử Naruhito và là người thừa kế nam đủ điều kiện cuối cùng.
Sự nối ngôi hàng thế kỷ của Nhật Bản sẽ bị gián đoạn nếu Hoàng tử Hisahito không có con trai vì Luật Nội vụ Hoàng gia từ năm 1947 không cho phép phụ nữ lên ngôi. Người con duy nhất của Nhật hoàng tương lai Naruhito, Công chúa Aiko, 17 tuổi, không phù hợp để kế thừa ngai vàng.
Hisahito, 12 tuổi, là con trai của em trai Thái tử Naruhito và là người thừa kế nam đủ điều kiện cuối cùng của hoàng gia Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Theo AFP, trong khi thái độ của công chúng dường như đang thiên về hướng thay đổi luật kế vị để cho phép phụ nữ cai trị, dù cơ hội cải cách cụ thể có vẻ xa vời.
Theo cuộc thăm dò của nhật báo Yomiuri Shimbun từ tháng 10 đến tháng 11/2018, gần 2/3 số người được hỏi muốn sửa đổi luật để cho phép phụ nữ trở thành người thừa kế hợp pháp.
"Tôi chỉ thắc mắc tại sao Công chúa Aiko không thể lên ngôi. Nếu chỉ vì cô ấy là một cô gái thì tôi nghĩ nó không phù hợp với thời đại hiện nay. Tại sao chúng ta không cho phép những người thừa kế nữ như Nữ hoàng Elizabeth trong chế độ quân chủ Anh?", Mizuho, 30 tuổi, cư dân Tokyo, nói với AFP.
Theo các quy tắc hiện hành, các thành viên nữ trong gia đình hoàng gia còn mất tư cách hoàng gia khi kết hôn với một thường dân. Điều này càng gây chú ý khi Công chúa Mako, cháu gái của Nhật hoàng Akihito, vừa đính hôn với người yêu thời đại học của cô.
Hậu duệ của nữ thần mặt trời
Những người theo chủ nghĩa truyền thống phản đối kịch liệt bất kỳ thay đổi nào trong luật pháp. Tuy nhiên, đã có tới 8 nữ hoàng, với người cuối cùng là Gosakuramachi, lên ngôi khoảng 250 năm trước.
Với lịch sử đầy huyền thoại trong hơn 2.600 năm, gia đình hoàng gia được cho là hậu duệ của nữ thần mặt trời Amaterasu.
Khi Quốc hội thông qua luật cho phép hoàng đế cao tuổi từ chức một lần duy nhất vào năm 2017, họ cũng kêu gọi chính phủ "nhanh chóng nghiên cứu" các cải cách cho phép con trai của phụ nữ hoàng gia trở thành hoàng đế.
Chính phủ cho biết những cuộc thảo luận này sẽ bắt đầu ngay sau ngày 1/5, khi Thái tử Naruhito lên ngôi.
Nhật hoàng Akihito, bên cạnh là Hoàng hậu Michiko, đọc bài phát biểu năm mới cuối cùng của ông vào tháng 1. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, chính phủ cũng quyết định rằng chỉ có nam giới hoàng gia trưởng thành mới tham dự lễ thoái vị chính. Trong thời gian đó, hoàng đế mới sẽ kế thừa biểu chương truyền thống của nhà vua, bao gồm bảo kiếm và bảo ngọc.
"Các chính trị gia đang né tránh vấn đề trong quy định chỉ để nam giới kế vị vì họ không muốn gánh vác trách nhiệm", Yuji Otabe, giáo sư lịch sử Nhật Bản tại Đại học Phúc lợi Nhật Bản, nói với AFP.
"Nếu nghĩ về hệ thống thừa kế, một phụ nữ cũng có huyết mạch hoàng gia", ông nói và bày tỏ lo ngại về tương lai của dòng dõi hoàng gia Nhật Bản nếu tình hình không thay đổi.
Áp lực sinh con trai
Một hậu quả khác của quy định chỉ cho nam giới thừa kế là áp lực rất lớn để sinh con trai nhằm giữ gìn huyết mạch.
Hoàng đế và hoàng hậu tương lai chịu áp lực rất lớn phải sinh con trai nhưng đứa con duy nhất của họ lại là công chúa.
Người con duy nhất của Thái tử Nhật Bản Naruhito, Công chúa Aiko, 17 tuổi, không phù hợp để kế thừa ngai vàng. Ảnh: AP. |
"Khủng hoảng" đã được ngăn chặn khi Hoàng tử Hisahito ra đời vào năm 2006. Đây là con của em trai Thái tử Akishino.
Sau khi Thái tử Naruhito lên ngôi, Akishino là người kế vị tiếp theo, tiếp đến là Hisahito.
Thái tử phi Masako, một cựu nhà ngoại giao, đã phải vật lộn trong nhiều năm với căn bệnh liên quan đến căng thẳng do áp lực lớn của việc phải hạ sinh con trai để nối ngôi.
Hideto Tsuboi, giáo sư văn học và lịch sử Nhật Bản hiện đại tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế về nghiên cứu Nhật Bản, lập luận rằng căn bệnh của Masako là minh chứng cho sự khác biệt giữa hoàng gia Nhật Bản và Anh.
"Các thành viên gia đình hoàng gia Nhật Bản không được hưởng quyền con người bình thường do quá chú trọng vào hệ thống kế thừa nam giới so với chế độ quân chủ Anh", Tsuboi nói.
Nhà phân tích Otabe cũng chỉ ra "áp lực lớn" phải sinh con trai đối với bất kỳ người phụ nữ nào kết hôn với thành viên hoàng gia.
"Ai sẽ muốn kết hôn với Hisahito đây?", ông đặt câu hỏi.
"Tôi thực sự không nghĩ rằng đó phải là một người đàn ông. Miễn là người đó có những phẩm chất cần thiết để tiếp quản ngai vàng, cho dù người thừa kế là nam hay nữ không quan trọng với tôi", Mizuho, cư dân Tokyo ủng hộ thay đổi, bình luận.