Theo South China Morning Post, Nhật Bản đang phát triển một loại tên lửa chống hạm siêu thanh, có khả năng lượn ở độ cao lớn và thách thức các tàu sâu bay của Trung Quốc trên khu vực biển Hoa Đông.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thông báo vũ khí sắp được phát triển là một thiết bị phóng lượn siêu tốc (Hyper velocity gliding projectile - HVGP). Theo kế hoạch, phiên bản sớm nhất của tên lửa sẽ được triển khai vào năm 2026, sau 2 năm thì trình làng tiếp bản nâng cấp. Tên lửa có khả năng di chuyển nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh.
Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới được vũ trang công nghệ này sau Trung Quốc, Nga và Mỹ. Công nghệ cho phép tên lửa lượn với vận tốc phá vỡ bức tường âm thanh, di chuyển trên thượng tầng khí quyển - khu vực yếu điểm của các hệ thống phòng không - với mô hình bay phức tạp. Những lá chắn tên lửa hiện hành khó đánh chặn thành công loại vũ khí này.
Tên lửa siêu thanh của Nhật Bản có định hướng phòng thủ, di chuyển nhanh gấp 5 lần âm thanh, đủ khả năng xuyên thủng sàn tàu sân bay. Ảnh: ATLA. |
Phiên bản đầu tiên của tên lửa siêu thanh Nhật Bản sẽ tập trung vào mục tiêu trên đất liền. Bản nâng cấp sẽ cải tiến tốc độ, tầm bắn, đầu đạn để triệt tiêu tàu mặt nước cỡ lớn. Theo Cơ quan Thu mua, Công nghệ và Hậu cần của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, động cơ phản lực siêu âm đốt trong dòng thẳng (scramjet) cho tên lửa được chế tạo trong nước, do Mitsubishi Heavy Industries cung cấp.
Tầm bắn của tên lửa hạn chế dưới 500 km để đảm bảo không vượt ngoài khuôn khổ "chính sách chuyên biệt định hướng phòng thủ" của nước này. Tên lửa mang đầu đạn có khả năng xuyên phá sàn tàu sân bay.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận tên lửa được phát triển nhằm bảo vệ "những đảo xa xôi" ở phía tây nam, hàm ý quần đảo Okinawa và những đảo nhỏ lân cận. Trong khu vực này còn khu vực đảo và vùng biển mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp là Sensaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Chuỗi đảo cách đảo chính quần đảo Okinawa khoảng 420 km.
Trung Quốc là nước đầu tiên có tuyên bố triển khai tên lửa siêu thanh với màn ra mắt của Đông Phong 17 vào năm 2019. Ảnh: AP. |
Trong những năm qua, lực lượng tuần duyên Trung Quốc thường xuyên áp sát chuỗi đảo. Hải quân nước này cũng gia tăng hoạt động trong khu vực, sử dụng eo biển Miyako giữa đảo Miyako (gần đảo Đài Loan) và Okinawa làm cửa ngõ từ biển Hoa Đông ra Tây Thái Bình Dương.
Dẫn lời một số chuyên gia quốc phòng Trung Quốc, South China Morning Post cho biết tên lửa chống hạm siêu thanh của Nhật Bản có khả năng trở thành mối đe dọa đối với hải quân Trung Quốc trên vùng biển, tác động đến cân bằng chiến lược trong khu vực.
Mới có Nga và Trung Quốc đưa tên lửa có công nghệ lượn siêu thanh vào biên chế. Thiết bị phóng lượn siêu thanh Avangard, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đã được bổ sung vào kho vũ khí của Nga từ tháng 12/2019. Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới tuyên bố triển khai vũ khí siêu thanh khi tên lửa DF-17 (Đông Phong 17) được trình làng trong lễ duyệt binh quốc khánh ngày 1/10/2019.
Tháng 3, Mỹ cũng thử nghiệm phương tiện lượn siêu thanh phổ thông (C-HGB) với năng lực hạt nhân. Hệ thống vũ khí có thể được áp dụng cho khí tài hải-lục-không quân. Giới chức Mỹ kỳ vọng sẽ hoàn tất phát triển vào năm 2022.