Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật cam kết hỗ trợ tối đa để ASEAN bảo vệ chủ quyền

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Shangri-La 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết “hỗ trợ tối đa” để các nước ASEAN bảo vệ chủ quyền trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Trong bài phát biểu vừa diễn ra ở Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Abe nhấn mạnh các nước cần tôn trọng luật pháp quốc tế, chỉ trích lập trường quân sự cứng rắn của phía Trung Quốc ở Biển Đông.

“Mọi quốc gia đều phải tôn trong luật pháp quốc tế. Nhật Bản cam kết hỗ trợ tối đa cho nỗ lực của các nước ASEAN nhằm đảm bảo sự toàn vẹn của các vùng biển, vùng trời và tự do hàng hải, tự do hàng không”, ông Abe nói.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Shangri-La 2014. Ảnh: Reuters

Abe là nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản phát biểu tại Shangri-La. Ông cũng là người muốn giảm bớt những hạn chế thời hậu Chiến tranh thế giới thứ hai đối với quân đội Nhật Bản. 

“Nhật Bản muốn đóng vai trò lớn và chủ động hơn trong việc thúc đẩy hòa bình ở châu Á và trên thế giới”, ông Abe nói tại Diễn đàn.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản nêu ra 3 nguyên tắc về luật trên biển. Thứ nhất, các nước dựa vào luật pháp quốc tế để tuyên bố và làm rõ chủ quyền.

"Nguyên tắc thứ hai là các nước không dùng vũ lực hay hăm dọa nhằm khẳng định chủ quyền. Các nước sẽ tìm cách giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình là nguyên tắc thứ ba. Tôi kêu gọi tất cả các nước tại châu Á và Thái Bình Dương tuân thủ triệt để 3 nguyên tắc này. Chẳng hạn, Indonesia và Philipppines đã ký Hiệp định về phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế. Tôi hoan nghênh quyết định này, bởi đây là một ví dụ tuyệt vời về việc tôn trọng luật lệ trên biển", ông nói.

Đề cập tới vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, Thủ tướng Abe khẳng định: “Chính phủ của tôi ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực kêu gọi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông phù hợp với nguyên tắc chung của Philippines. Chúng tôi cũng ủng hộ nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua đối thoại của Việt Nam”.

Người đứng đầu chính phủ Nhật Bản cũng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng thành lập bộ quy tắc hàng hải chung, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ thỏa thuận năm 2007 giữa hai nước nhằm tránh xung đột ngoài ý muốn.

"Chắc quý vị đều đồng ý rằng bây giờ chúng ta phải cam kết chắc chắn với tinh thần và các điều khoản của Tuyên bố các Quy tắc ứng xử trên Biển Đông năm 2002 (DOC), theo đó các quốc gia liên quan trên biển cùng tuân thủ và không thực hiện các hành động đơn phương làm thay đổi thực trạng một cách lâu dài. Đây là thời điểm để chúng ta cống hiến trí tuệ nhằm khôi phục hòa bình trên biển. Cả thế giới đều muốn chúng ta quản lý biển, trời bằng luật và quy trình giải quyết tranh chấp", ông lập luận.

Điều mà dư luận thế giới lo ngại nhất, theo Abe, là một hoặc vài nước nào đó sẽ sử dụng sự hăm dọa để thay thế luật pháp. Thực trạng đó sẽ khiến các tình huống bất ngờ xảy ra ở mọi nơi, vào mọi lúc.

Theo Thủ tướng Nhật Bản, liên minh quân sự giữa Washington và Tokyo là nền tảng của sự ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, Tokyo cũng tìm kiếm mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với các nước châu Á bao gồm Australia, Ấn Độ và ASEAN. Abe cũng không giấu diếm mong muốn Nhật Bản có quyền phòng vệ tập thể hoặc hỗ trợ quân sự cho một đồng minh trong trường hợp họ bị tấn công.

“Chúng ta đang ở trong kỷ nguyên mà không một quốc gia nào có khả năng tự đảm bảo hòa bình. Vì Nhật Bản là quốc gia phụ thuộc nhiều vào hòa bình và ổn định của thế giới nên chúng tôi muốn chủ động đóng góp nhiều hơn cho hòa bình của nhân loại”.

Jonathan Marcus, phóng viên ngoại giao của BBC nhận định Abe muốn tăng cường ủng hộ các nước đang tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh.

"Abe lên án những ai muốn “thay đổi hiện trạng” bằng cách áp đặt và đây là một đòn nhằm vào Trung Quốc. Ông ấy muốn thay đổi những hạn chế đối với quân đội Nhật bản để Tokyo có thể chủ động hơn trong phòng vệ tập thể. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Nhật Bản đọc diễn văn với tư cách diễn giả chính tại Đối thoại Shangri-La, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ông muốn Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn trong hội nghị an ninh thường niên lớn tại châu Á", Marcus giải thích.

Thủ tướng Nhật Bản là diễn giả chính trong Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á Shangri-La năm 2014. Ông đọc bài phát biểu trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các vùng biển mà Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei khẳng định chủ quyền. Đây là một trong những tranh chấp dai dẳng nhất ở châu Á, biến Biển Đông thành vùng biển nóng nhất thế giới thời điểm hiện tại. Ngoài ra, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Hồng Duy - Văn Toàn

Bạn có thể quan tâm