Trong bài đăng trên Twitter ngày 31/8, ông Taro Kono, Bộ trưởng Kỹ thuật số Nhật Bản công bố chiến dịch "tuyên chiến" với đĩa mềm. Đây là phương tiện lưu trữ vẫn được sử dụng phổ biến trong các cơ quan chính phủ nước này.
Ông Kono cho biết khoảng 1.900 thủ tục giấy tờ của chính phủ Nhật Bản vẫn yêu cầu nộp các loại đĩa, bao gồm đĩa mềm, CD và MD (MiniDisc). Ngoài ra, còn có 157 thủ tục yêu cầu nộp đơn trong đĩa quang, đĩa từ hoặc băng từ.
Bộ trưởng Nhật Bản muốn bỏ đĩa mềm khỏi các thủ tục hành chính. Ảnh: Popular Mechanics. |
"Chúng tôi sẽ nhanh chóng xem xét lại các thủ tục. Hiện tại người ta có thể mua đĩa mềm ở đâu chứ?", ông Kono cho biết trong buổi họp báo ngày 30/8.
Bộ trưởng Kỹ thuật số Nhật Bản tiết lộ Thủ tướng Fumio Kishida sẵn sàng hỗ trợ chấm dứt việc sử dụng công nghệ lỗi thời cho một số thủ tục hành chính, chuyển sang trực tuyến trong thời gian tới.
Tháng 12/2021, trang Mainichi tại Nhật đưa tin cảnh sát Tokyo làm mất 2 đĩa mềm, chứa thông tin của 38 đơn đăng ký chương trình nhà ở xã hội.
Lực lượng chịu trách nhiệm các vấn đề kỹ thuật số tại Nhật cho biết rào cản pháp lý gây khó khăn trong việc áp dụng các công nghệ hiện đại như lưu trữ đám mây. Các quy định lỗi thời dự kiến được cơ quan chức năng nước này sửa đổi từ cuối năm nay.
Từ năm 2016, Nhật Bản đã triển khai sử dụng thẻ căn cước thông minh có tên My Number. Người dân có thể sử dụng thẻ cho các dịch vụ trực tuyến như nộp thuế, đăng nhập tài khoản ngân hàng và ký số. Dù vậy, ông Kono chỉ trích một số thủ tục còn rườm rà, yêu cầu nhiều giấy tờ.
Lúc mới nhậm chức đầu tháng 8, ông Kono đã thẳng thắn phê bình việc sử dụng máy fax và con dấu "hanko" trong các thủ tục giấy tờ liên quan đến dịch Covid-19. Khi còn là Bộ trưởng Cải cách hành chính từ năm 2020-2021, ông Kono đã hạn chế sử dụng máy fax và hanko nhưng chưa hiệu quả.
Ông Kono cho rằng người dân ngày nay rất khó tìm nơi mua đĩa mềm. Ảnh: Pikist. |
"Tôi đang tìm cách loại bỏ máy fax và vẫn lên kế hoạch cho chuyện đó", ông Kono chia sẻ trong buổi họp báo "tuyên chiến" đĩa mềm.
Đĩa MD có kích thước nhỏ gọn nhưng kém phổ biến. Trong khi đó, đĩa mềm được IBM ra mắt từ năm 1971 với kích thước 8 inch. Đến năm 1983, Sony giới thiệu loại đĩa 3,5 inch, dung lượng thường thấy là 1,44 MB. Đây là phiên bản được sử dụng phổ biến trên máy tính những năm 1990. Đến thập niên 2000, nhiều người chuyển sang đĩa CD với dung lượng cao hơn.
Sony đã dừng sản xuất đĩa mềm từ năm 2011. Nhật Bản không phải đất nước duy nhất muốn loại bỏ hoàn toàn những công nghệ lỗi thời. Theo Bloomberg, Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ mới loại bỏ hoàn toàn đĩa mềm khỏi hệ thống điều khiển hạt nhân vào năm 2019.