Theo New York Times, Issey Miyake là nhà thiết kế yêu thích của Steve Jobs. Không chỉ vậy, ông Miyake còn là người đi tiên phong trên mọi phương diện trong lĩnh vực thời trang.
Ông Miyake có vinh dự trở thành nhà thiết kế nước ngoài đầu tiên có sản phẩm trình diễn tại Tuần lễ thời trang Paris vào tháng 4/1974. Người đàn ông đến từ Nhật Bản cũng nằm trong số những nhà thiết kế thế hệ đầu hợp tác với giới nghệ sĩ và là người đề xuất phong cách “ăn mặc thoải mái” (comfort dressing) từ rất lâu trước khi thuật ngữ này được biết đến.
Người tiên phong
Tuy nhiên, chính sự hiểu biết và đánh giá cao của ông về công nghệ cũng như cách khai thác nó theo quan điểm nghệ thuật đã giúp ông Miyake trở nên khác biệt. Trước khi có thiết bị đeo, giày thể thao in 3D và loại vải ren cắt bằng tia laser, ông Miyake đã thúc đẩy ranh giới trong việc đổi mới vật liệu may mặc.
Có thể nói, đây chính là "nhà vô địch đầu tiên" trong lĩnh vực công nghệ thời trang, theo nhận định của New York Times.
Nhà thiết kế Issey Miyake mặc chiếc áo cổ lọ màu đen tại một sự kiện thời trang vào năm 1990. Ảnh: Getty Images. |
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1988 với nghiên cứu của ông Miyake về máy ép nhiệt. Đây là công nghệ giúp tạo ra các sản phẩm may mặc với một tấm vải lớn gấp 2-3 lần bình thường. Do được ép nhiệt, những bộ quần áo không bao giờ bị nhăn, xẹp và đáp ứng yêu cầu đặc biệt của nhà thiết kế. Đến năm 1994, những sản phẩm may mặc đó đã tạo thành một bộ sưu tập riêng, được gọi là Pleats Please.
Tiếp theo, ông Miyake đã có một nghiên cứu liên quan đến việc đưa chỉ may vào máy dệt kim công nghiệp để tạo ra mảnh vải với các đường may sẵn và tạo hình cho quần áo. Nó có thể được cắt ra theo ý muốn của người may, do đó loại bỏ việc lãng phí vụn vải.
Bộ sưu tập liên quan đến công nghệ này được giới thiệu vào năm 1997, nhiều thập kỷ trước khi trào lưu “không lãng phí” trở thành nhiệm vụ bắt buộc của ngành thời trang.
Đặc biệt, vào năm 2010, ông Miyake ra mắt thương hiệu 132 5, lấy cảm hứng từ công việc của nhà khoa học máy tính Jun Mitani. Trong đó, việc ứng dụng các nếp gấp origami đã giúp nhà thiết kế Miyaki tạo ra những sản phẩm nổi bật với các họa tiết 3D cầu kỳ.
Các tác phẩm này hiện được đưa vào bộ sưu tập của các bảo tàng như Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, Bảo tàng Victoria&Albert và Bảo tàng Nghệ thuật Hạt Los Angeles.
Chiếc áo cổ lọ màu đen
Thứ khiến nhiều người nhớ nhất về ông Miyake chính là áo cổ lọ màu đen, chiếc áo yêu thích của Steve Jobs, cũng được tạo ra nhờ công nghệ trên. Rõ ràng, nó không phải là thiết kế thú vị nhất của ông Miyake. Thậm chí, chiếc áo này khá tầm thường đối với những thiết kế vĩ đại của ông.
Song, đây là thiết kế tượng trưng cho những nguyên tắc của Miyake và khiến những người không quan tâm cũng tìm muốn tìm hiểu về nó, theo nhận định của New York Times. Tất nhiên, Steve Jobs là một trong những người đó.
Nhờ công nghệ, Jobs và Miyake đã có cơ hội gặp nhau. Trong cuốn sách “Steve Jobs”, tác giả Isaacson cho biết nhà sáng lập quá cố của Apple đã bị cuốn hút bởi chiếc áo khoác đồng phục mà ông Miyake tạo ra cho công nhân Sony vào năm 1981. Nó được làm từ chất liệu nylon ripstop và không có ve áo, tay áo có thể được kéo ra để biến đổi thành áo khoác.
Steve Jobs đặc biệt ưa thích chiếc áo cổ lọ màu đen do ông Miyake thiết kế. Ảnh: Getty Images. |
Theo đó, ông Jobs rất thích chiếc áo này và nghĩ nó đại diện cho một phong cách của Apple. Chính Steve Jobs đã yêu cầu Miyake thiết kế đồng phục với phong cách tương tự cho nhân viên của Apple. Mặc dù vậy, ý tưởng này đã không thành hiện thực khi ban lãnh đạo của Táo khuyết kiên quyết từ chối.
Theo cuốn sách của ông Isaacson, Steve Jobs và Miyake sau đó đã trở thành bạn của nhau và nhà sáng lập của Apple thường xuyên đến thăm nhà thiết kế người Nhật. Cuối cùng, Jobs đã sử dụng chiếc áo cổ lọ màu đen của Miyake như một phần quan trọng trong bộ đồng phục của ông.
Đây là một loại áo loại bỏ nếp gấp ở cổ, có sự thoải mái của áo phông và nhưng không nóng như áo len. Nó cũng có nhiều đường nét như một chiếc áo khoác.
Steve Jobs mô tả việc sử dụng chiếc áo này có thể giúp ông bớt đắn đo trong việc chọn quần áo đi làm mỗi sáng và tập trung vào công việc của mình. Phong cách tinh gọn này sau đó được nhiều người nổi tiếng khác như Mark Zuckerberg hay Barack Obama lựa chọn.
Như Ryan Tate đã viết trên Gawker, chiếc áo cổ lọ đen đã trở thành biểu tượng, phần nào giúp Steve Jobs trở thành CEO nổi tiếng nhất thế giới. Trong khi đó, tác giả Troy Patterson của Bloomberg ví chiếc áo của Steve Jobs như “lễ phục của một nhà sư thế tục”.
Tuy nhiên, Miyake đã loại bỏ phong cách này vào năm 2011, sau khi Steve Jobs qua đời. Trước khi trở thành một phần quan trọng của Jobs, chiếc áo cổ lọ màu đen thường gắn liền với một số người theo chủ nghĩa tiêu cực tại Mỹ như sử dụng chất gây nghiện, trộm cắp...