Theo Nikkei, một số mẫu máy cassette hàng chục năm tuổi đang được bán tại Nhật Bản với giá tăng vọt, có nhiều model đắt gấp 5 lần so với 10 năm trước. Lý do đến từ trào lưu nghe nhạc bằng máy cassette dần trở lại.
Sony Walkman TPS-L2, một trong những máy nghe nhạc di động đầu tiên trên thế giới được ra mắt năm 1979. Từ mức giá 33.000 yen (khoảng 243 USD), hiện nay những thiết bị trong tình trạng tốt đang được bán với giá khoảng 50.000-100.000 yen (365-730 USD).
"Ngay cả máy xấu cũng có giá 30.000 yen (219 USD)", đại diện BuySell Technologies, công ty bán hàng cũ tại Tokyo (Nhật Bản) cho biết.
Các mẫu máy nghe cassette di động đang có giá đắt gấp 2-5 lần trước đây. Ảnh: AFP. |
Cách đây 10 năm, những chiếc Walkman đời đầu, còn hoạt động có giá khoảng 10.000-20.000 yen (73-146 USD). Tuy nhiên theo đại diện BuySell, giá bán của chúng đã tăng gần 5 lần do được nhiều người tìm mua, phục vụ sở thích nghe nhạc bằng máy cassette khi ra đường.
Thời hoàng kim của máy cassette là những năm 1970 với thiết kế hầm hố (boombox). Sang thập niên 1980, máy cassette di động trở nên phổ biến sau khi dòng Walkman ra đời. Dù đánh mất vị thế vào tay đĩa CD, nhu cầu dùng máy cassette tăng trở lại trong những năm gần đây, đặc biệt đến từ những người hoài cổ, thích nghe tiếng rít của băng cassette.
Năm 2019, hầu hết máy nghe nhạc cassette được bán tại Nhật với giá 5.000-7.000 yen (36-51 USD). Tuy nhiên đến năm nay, giá trung bình của chúng tăng lên hơn 9.000 yen (65 USD), theo dữ liệu từ nền tảng đấu giá Aucfan.
Một số người còn sưu tầm các máy cassette hiếm từ nước ngoài. Hãng nghiên cứu Beenos cho biết một mẫu máy cassette trên Sekaimon, nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới được bán với giá trung bình 24.000 yen (175 USD) trong năm nay, đắt gấp đôi so với cùng model được bán năm 2021.
Đa số người mua máy nghe cassette có độ tuổi trung bình 45, nam giới chiếm 90%, thu nhập đủ để thỏa mãn sở thích. Riêng các dòng cassette đời cổ, khách hàng có độ tuổi trung bình là 55.
Hiện nay, một số công ty vẫn sản xuất máy nghe nhạc cassette, chủ yếu làm bằng nhựa, nhẹ và rẻ. Trong khi đó, những người thích sự chắc chắn của thép và nhôm có xu hướng lựa chọn các mẫu máy cassette cổ.
Trong bối cảnh đại dịch bùng phát, những người muốn mua máy cassette không thể đến trực tiếp Nhật Bản. Do đó, họ săn lùng những mặt hàng này trên các trang thương mại điện tử.
"Do đồng yen mất giá, người dùng nước ngoài có thể mua những thiết bị chất lượng tốt với giá hợp lý", Junichi Matsuzaki, nhà sưu tầm thiết bị điện tử chia sẻ. Ông đang có hơn 5.000 chiếc boombox mua từ khắp nơi trên thế giới. Một số người nước ngoài đã đề nghị mua hết bộ sưu tập của Matsuzaki.
Dữ liệu từ công ty giải trí Luminate cho biết doanh số băng cassette tại Mỹ trong năm ngoái tăng gấp đôi lên 340.000 chiếc, cao nhất kể từ năm 2015. Các nghệ sĩ được khán giả trẻ yêu thích như Billie Eilish và Harry Styles cũng phát hành album dưới dạng băng cassette.
Nhiều người thích tìm lại cảm giác nghe tiếng rít của băng cassette. Ảnh: Nikkei. |
Không chỉ băng cassette, đĩa than (vinyl) cũng được ưa chuộng trở lại. Tuy nhỏ gọn và dễ di chuyển, băng cassette dễ hư hỏng và giảm độ bền sau một thời gian sử dụng nên không được ưa chuộng trên thị trường đồ cũ.
Dù nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đang phát hành nhạc trên băng cassette, rất khó để khẳng định loại hình nghe nhạc này có thể trở lại thời đỉnh cao như trước. Yếu tố quyết định đến từ số lượng album mới phát hành trên cassette.
"So với những sản phẩm thu âm khác, nhạc mới trên băng cassette ít hơn nhiều. Những tác phẩm mới sẽ quyết định độ phổ biến của băng cassette trong tương lai", Tomohiro Takeno, đại diện chuỗi cửa hàng băng Lawson Entertainment chia sẻ.