Máy nghe nhạc MP3 từng rất phổ biến khi smartphone chưa xuất hiện đại trà. Apple iPod hay Sony Walkman là niềm mơ ước của nhiều người dùng thế hệ 9X hoặc 8X trở về trước.
Dù không phổ biến như trước đây, máy nghe nhạc MP3 chưa bao giờ biến mất. Bên cạnh xu hướng đeo tai nghe có dây như món phụ kiện thời trang, nhiều người vẫn dùng máy nghe nhạc MP3 vì những lý do khác nhau: chấp hành nội quy trường học, yêu cầu chất lượng âm thanh cao hoặc muốn bớt phụ thuộc vào smartphone.
Từ thanh niên thuộc thế hệ Z đến độ tuổi trung niên, đây là những người có lý do riêng để sử dụng máy nghe nhạc MP3 trong năm 2022.
Max (19 tuổi)
Nhân viên một công ty game tại Vương quốc Anh.
Chia sẻ với Vice, Max cho biết chưa từng dùng máy nghe nhạc lúc còn nhỏ. Nhưng khi 16 tuổi, anh cảm thấy hứng thú với những thiết bị công nghệ cổ, ra đời từ rất lâu như máy tính, máy chơi game và máy nghe nhạc.
Dù không còn chỗ đứng trên thị trường, máy nghe nhạc vẫn được nhiều người sử dụng vì nhiều lý do khác nhau. Ảnh: The Guardian. |
"Ví dụ, tôi thích kiểu dáng của iPod classic thế hệ thứ 6, không chỉ bởi kích thước nhỏ nhắn, bánh xe điều khiển mà còn về giá bán. Đó là yếu tố khiến tôi sở hữu nó. Lúc trước, tôi nghe nhạc bằng Spotify nhưng giá đắt, không phù hợp với đứa trẻ chưa thể tự kiếm tiền như tôi. Nó khiến điện thoại hao pin rất nhanh, chưa kể quảng cáo làm tôi khó chịu.
Với máy nghe nhạc MP3, bạn chỉ cần file MP3 để thưởng thức. Bạn có thể tải mọi ca khúc từ bất cứ đâu như website chia sẻ nhạc, các bản cover trên YouTube hay sách nói. Những lựa chọn không bao giờ giới hạn", Max cho biết.
Adam (45 tuổi)
Đầu bếp tại Mỹ.
Dù sở hữu smartphone, Adam vẫn thích dùng thiết bị chuyên nghe nhạc và podcast. "Một thiết bị chuyên dụng giúp tôi sắp xếp nội dung cẩn thận hơn trước khi thưởng thức. Các app thường khiến tôi choáng ngợp với rất nhiều nội dung chưa từng nghe, và cũng không muốn nghe", Adam cho biết.
Adam thường dành 3-6 tiếng mỗi ngày để nghe nhạc hoặc podcast. Đa số podcast của Adam có thời lượng dài nên chỉ nghe 2-3 tập mỗi ngày. Nội dung ưa thích được anh tải xuống dưới dạng MP3 rồi chép vào máy nghe nhạc.
Linda (38 tuổi)
Nghệ sĩ tại Mỹ.
Bộ sưu tập máy nghe nhạc của Linda. Ảnh: Vice. |
"Tôi từng sở hữu nhiều mẫu iPod trước đây, bao gồm iPod classic và một số iPod nano. Tôi rất thích iPod nano thế hệ 6 bởi thiết kế đẹp. Hiện tại, tôi sử dụng máy nghe nhạc iPod touch và FiiO M7, những chiếc còn lại chỉ dùng trong trường hợp cấp bách", Linda chia sẻ.
Theo Linda, cấp trên của cô cho phép nghe nhạc bằng tai nghe khi làm việc, nhưng thiết bị phát nhạc không phải điện thoại, hoặc sản phẩm có camera. Khi về nhà, Linda vẫn dùng máy nghe nhạc để không bị làm phiền bởi thông báo hoặc cuộc gọi. Máy nghe nhạc cũng hữu ích khi tập thể dục bởi cô không phải tốn dung lượng Internet hoặc bộ nhớ điện thoại để chứa nhạc.
Prashanth (42 tuổi)
Kỹ sư phần mềm tại Mỹ.
Chiếc iPod touch cũ của Prashanth, chỉ một phần màn hình cảm ứng còn hoạt động. Ảnh: Vice. |
Do sở thích nghe nhạc chất lượng cao, Prashanth thường tải nhạc lossless như FLAC hay AAC. Trong khi đó, hầu hết dịch vụ nghe nhạc hiện nay chỉ cho phép nghe nhạc đã nén chất lượng.
"Tôi luôn mang theo máy MP3, đảm bảo luôn có nhạc để nghe nếu xung quanh không có Internet. Tôi từng dùng Apple Music trong 6 tháng và rất thích bởi đa số là nhạc lossless. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn mang theo file MP3, chép vào iPod hoặc ổ lưu trữ USB", Prashanth chia sẻ.
Kỹ sư phần mềm 42 tuổi cho rằng những người thích thể loại nhạc đại chúng không cần nghe lossless. Tuy nhiên nếu thích nhạc cổ điển, nhạc thính phòng hoặc jazz, các định dạng không nén vẫn là giải pháp tốt hơn để thưởng thức.
Kyle (26 tuổi)
Sinh viên tại Mỹ.
2 chiếc máy nghe nhạc của Kyle. Ảnh: Vice. |
"Tôi có smartphone nhưng ưu điểm của máy nghe nhạc MP3 hơn hẳn các hạn chế của dịch vụ nghe nhạc. Là sinh viên, tôi không dư dả tiền bạc nên sử dụng bản nhạc có sẵn giúp ích rất nhiều. Với máy nghe nhạc, tôi cũng không bận tâm đến quảng cáo phiền phức trong các ứng dụng. Hầu hết giảng viên cũng cho phép máy nghe nhạc bởi bạn không thể dùng chúng để gian lận, nhưng vẫn có thể ghi âm bài giảng", Kyle cho biết.
Máy nghe nhạc MP3 đầu tiên của Kyle là SanDisk Sansa Fuze. Thời gian gần đây, anh tìm các dòng máy giá rẻ để thay thế. Hiện tại, Kyle sử dụng mẫu MYMAHDI M230 với thiết kế khá giống iPod nano.
Suzanne (69 tuổi)
Nhiếp ảnh gia nghỉ hưu tại Canada.
Chia sẻ với Vice, Suzanne không hài lòng khi Apple bỏ cổng tai nghe 3,5 mm trên iPhone, trong khi tai nghe tặng kèm cho cảm giác đeo không thoải mái. Là nhiếp ảnh gia động vật hoang dã, Suzanne lo rằng sẽ đánh rơi AirPods nếu không cẩn thận.
Trước khi nhiễm Covid-19, Suzanne đi du lịch rất nhiều, trung bình dành 2 tuần mỗi 18 tháng để đi nước ngoài. Những lúc đi dạo ngoài đường, Suzanne mang theo máy MP3 để nghe nhạc. Bà chỉ dùng iPhone để tra cứu thông tin, tìm đường trên Google Maps và nhắn tin với bạn bè. Kể cả khi đến thành phố xa lạ, Suzanne vẫn thích nghe đài phát thanh địa phương để hiểu hơn về văn hóa của họ.
"Tóm lại, tôi sẽ dùng iPhone nếu cần tra cứu thông tin. Nhưng để giải trí hàng ngày và nghe tin tức khi di chuyển, tôi dùng máy nghe nhạc MP3", Suzanne cho biết.