Đại dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến nhiều rạp hát tại Anh phải đóng cửa trong thời gian dài. Quy định giãn cách xã hội khiến việc tổ chức hòa nhạc có khán giả xem trực tiếp gần như là không thể. Ngay cả khi quy định được nới lỏng vào mùa hè, lượng vé bán ra vẫn rất thấp, ảnh hưởng đến doanh thu và khả năng hoạt động của các rạp hát.
Trong bối cảnh nhiều người phải ở nhà, hy vọng của các rạp hát đến từ việc phát trực tiếp show diễn trên Internet. Livestream đã trở thành hình thức truyền tải nội dung phổ biến, song ý tưởng phát trực tiếp buổi hòa nhạc đến tận nhà thực chất đã xuất hiện từ thời Victoria cách đây hơn 100 năm.
Hình ảnh quảng cáo cho dịch vụ Electrophone những năm 1890. Ảnh: BT Archive. |
Dịch vụ "livestream" từ hơn 100 năm trước
Trong giai đoạn 1893-1925, công ty Electrophone có trụ sở tại London đã cung cấp dịch vụ truyền âm thanh trực tiếp từ rạp hát đến nhà của khán giả.
Các nhà đầu tư của Electrophone, bao gồm Alexander Graham Bell (người phát minh ra điện thoại), cho rằng đường dây điện thoại có thể truyền thông tin đến một lượng lớn người dùng, không chỉ đơn thuần là các cuộc gọi 1-1. Từ đó, dịch vụ của Electrophone được cung cấp tại các thành phố lớn trên khắp nước Anh.
Với Electrophone, lần đầu tiên người ta có thể nghe trực tiếp các buổi hòa nhạc, nghi lễ tại nhà thờ mà không cần đến nơi tổ chức. Nếu không có điều kiện đăng ký tại nhà, người dùng có thể thưởng thức nội dung tại các phòng nghe chung của Electrophone với giá rẻ hơn.
Ernest Mercadier, kỹ sư người Pháp với bằng sáng chế liên quan đến tai nghe, cũng góp phần tạo ra Electrophone. Người dùng đeo thiết bị giống tai nghe để thưởng thức chương trình. Một dịch vụ tương tự cũng xuất hiện tại Pháp với tên Théâtrophone (có âm thanh stereo), trong khi Hungary và Italy cung cấp dịch vụ này để phát tin tức.
Phòng nghe chung của Electrophone tại London. Ảnh: George R. Sims. |
Cách hoạt động của Electrophone
Electrophone hoạt động bằng cách gửi thông tin qua đường dây điện thoại đến bộ thu nối với tai nghe. Tại buổi hòa nhạc, các đèn chiếu trước sân khấu được gắn micro để thu âm. Trong khi ở nhà thờ, micro được ngụy trang trong những cuốn Kinh thánh giả gỗ.
Một tổng đài thủ công được đặt tại tòa nhà Electrophone ở London đóng vai trò kết nối với rạp hát. Người dùng gọi đến tổng đài này để yêu cầu kết nối với địa chỉ đã chọn. Một quảng cáo năm 1906 nói rằng người dùng Electrophone có thể chọn một trong 14 rạp hát, riêng ngày Chủ nhật có thêm 15 nhà thờ.
Tất cả nội dung của Electrophone được thu và phát trực tiếp, thường đến từ các địa điểm lớn tại London như Nhà hát Adelphi hoặc Nhà hát Covent Garden. Năm 1896, báo Musical Standard ghi rằng nhiều người dùng Electrophone đã nghe tiếng động của khán giả "xào xạc như lá" trong các chương trình.
Phát trực tiếp cũng đồng nghĩa khán giả ở nhà có thể nghe phần mở đầu, kết thúc và nghỉ giải lao như thể đang có mặt tại rạp hát. Nếu nghệ sĩ quên lời thoại, khán giả tại nhà cũng nghe được điều đó tương tự những người xem trực tiếp.
Poster quảng cáo của Electrophone tại Anh và dịch vụ tương tự của Pháp có tên Théâtrophone. Ảnh: BT Archive, Jules Chéret. |
Vào những năm 1890, Electrophone có giá 5 bảng Anh, tương đương khoảng 120 bảng Anh ngày nay. Electrophone Company phụ trách chi phí lắp đặt thiết bị thu âm, Công ty Điện thoại Quốc gia (sau này là Bưu điện) trả tiền bảo trì đường dây điện thoại. Trong khi đó, rạp hát được chia một phần doanh thu của Electrophone Company.
Dù vậy, chi phí cao khiến Electrophone chỉ được sử dụng bởi những người giàu có. Một số khách sạn từng được lắp buồng nghe, cho phép thưởng thức một phần chương trình với chi phí rẻ hơn (6 xu).
Người dùng dịch vụ Electrophone có thể trả thêm chi phí để nghe các buổi biểu diễn được tổ chức trong một mùa. Vào đầu thế kỷ XX, dịch vụ này giúp nhà văn Marcel Proust nghe các chương trình yêu thích tại nhà khi bị ốm.
2 khách hàng được nhân viên hỗ trợ sử dụng Electrophone. Ảnh: BT Archive. |
Xu hướng livestream sẽ phổ biến hơn nhờ Covid-19
Tuy tồn tại khá lâu, Electrophone chưa bao giờ gây tiếng vang lớn. Trong năm 1896, chỉ có 50 người đăng ký dịch vụ. Con số này tăng lên hơn 1.000 người vào năm 1919, và 2.000 người sau đó 4 năm. Sự ra đời của đài phát thanh khiến lượng người dùng Electrophone nhanh chóng sụt giảm, cuối cùng bị đóng cửa vào ngày 30/6/1925.
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, một số rạp hát đã tận dụng hình thức livestream các buổi hòa nhạc để thu hút người nghe. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn khó kiểm soát, xu hướng livestream các chương trình nghệ thuật để phục vụ khán giả tại nhà sẽ còn phổ biến hơn.
Ý tưởng ngồi tại nhà trong thời gian dài, nghe nhạc qua tai nghe từng là điều kỳ lạ vào thế kỷ XIX. Tuy nhiên ngày nay, nhiều người lớn lên với sự bùng nổ của Internet, và thưởng thức trực tiếp các buổi hòa nhạc tại nhà đã không còn xa xỉ như trước.