"Trung Quốc đang tiếp tục những nỗ lực để thay đổi hiện trạng Biển Hoa Đông và Biển Đông", sách trắng quốc phòng của chính phủ Nhật Bản nhận định hôm 14/7, theo Reuters.
Văn bản này cũng mô tả những vụ xâm phạm "không ngừng nghỉ" của Trung Quốc trong vùng biển mà hai nước đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Hoa Đông, xung quanh quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Tài liệu cũng chỉ trích Trung Quốc về những nỗ lực liên tiếp của nước này nhằm "đơn phương thay đổi hiện trạng" trên Biển Hoa Đông, bất chấp sự cần thiết của hợp tác và cộng tác quốc tế trong bối cảnh virus corona lan rộng trên toàn cầu.
"Mặc dù nước ta nhiều lần phản đối, các tàu chính thức của Trung Quốc vẫn liên tục xâm nhập vào vùng lãnh hải của chúng ta xung quanh quần đảo Senkaku", sách trắng có đoạn viết.
Máy bay P-3C Orion của lực lượng phòng vệ Nhật Bản tuần tra phía trên quần đảo Senkaku. Ảnh: Kyodo. |
Tokyo cũng nhắc tới việc Trung Quốc đơn phương thành lập hai khu vực hành chính trên Biển Đông.
Cùng với việc quân sự hoá các thực thể ở khu vực tranh chấp trên tuyến đường thuỷ chiến lược, Trung Quốc cũng sử dụng các biện pháp phi quân sự để ép buộc thay đổi trong hiện trạng của khu vực.
Giữ nguyên thái độ như trong phiên bản năm ngoái, báo cáo quốc phòng năm nay của Nhật cho rằng cộng đồng quốc tế có "quan ngại an ninh sâu sắc" về xu hướng chi tiêu quân sự của Trung Quốc, khi nước này đã duy trì ngân sách quốc phòng cao nhưng thiếu minh bạch trong thời gian dài.
Những chỉ trích của Tokyo với Bắc Kinh mang âm hưởng của những bình luận gần đây từ Washington, và được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng, khi Trung Quốc và Mỹ đều tổ chức tập trận ở Biển Đông, và quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng xấu đi.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13/7 đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở Biển Đông, cho rằng những yêu sách đó "hoàn toàn bất hợp pháp".
Báo cáo của Nhật Bản nhận định Trung Quốc là mối đe doạ lâu dài và nghiêm trọng hơn so với Triều Tiên - quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Chi tiêu quốc phòng chính thức của Trung Quốc hiện gấp 4 lần ngân sách cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, và Bắc Kinh cũng đang nhanh chóng hiện đại hoá quân đội.
Bên cạnh đó, Tokyo cũng chỉ trích phản ứng của Trung Quốc với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, cáo buộc Bắc Kinh lan truyền thông tin sai lệch, bao gồm những tuyên bố trên mạng xã hội cho rằng virus được đưa đến Trung Quốc bởi quân đội Mỹ, hoặc các loại thuốc y học cổ truyền của Trung Quốc có công hiệu trong việc chữa trị Covid-19, theo một quan chức quốc phòng Nhật Bản.
Sách trắng nhận định với việc cộng đồng quốc tế đang vật lộn với đại dịch, nếu virus lây lan nghiêm trọng hơn thì điều đó "có thể tạo ra và làm leo thang cuộc chạy đua chiến lược giữa các quốc gia nhằm tạo nên trật tự thế giới và khu vực có lợi hơn cho họ, cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng".