Theo South China Morning Post, Nhật Bản đã gửi công hàm cho Trung Quốc phản đối việc 4 tàu chính phủ của nước này hoạt động trong vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 17/6.
Tàu hải cảnh Trung Quốc đã hoạt động liên tục 65 ngày qua trong hoặc gần vùng lãnh hải bao quanh nhóm đảo mà cả hai nước tuyên bố chủ quyền nhưng đang do Nhật Bản quản lý.
Đây là lần hiện diện lâu nhất của tàu Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp kể từ tháng 9/2012, sau khi Tokyo mua lại một số đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư từ sở hữu tư nhân. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từ chối bình luận về chi tiết hoạt động của tàu chấp pháp Trung Quốc gần Senkaku/Điếu Ngư thời gian qua.
Tàu tuần duyên của Nhật Bản hoạt động tại quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông. Ảnh: Reuters. |
"Quần đảo Senkaku đang dưới sự kiểm soát của chúng tôi và là lãnh thổ không thể bàn cãi, cả về mặt lịch sử lẫn luật pháp quốc tế... Chúng tôi sẽ phản ứng kiên quyết và bình tĩnh với phía Trung Quốc", ông Suga trả lời họp báo ở Tokyo.
Khoảng 5 tuần trước, tàu tuần duyên Nhật Bản phải can thiệp khi tàu hải cảnh Trung Quốc truy đuổi tàu cá Nhật Bản ngay trong lãnh hải nước này. Vụ việc xảy ra gần Uotsuri, một trong các đảo của Nhật Bản. Phía Trung Quốc rời khỏi vùng biển sau khi nhận cảnh cáo qua vô tuyến.
"Bắc Kinh đang liên tục thử thăm dò và tìm kiếm cơ hội để lợi dụng điểm yếu quanh các đảo của Nhật Bản. Đây là một phần chiến lược dài hạn của họ", Stephen Nagy, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Tokyo, cho biết.
Các vấn đề tranh chấp lãnh thổ có liên quan đến Trung Quốc liên tục gia tăng căng thẳng trong thời gian qua. Bên cạnh các hoạt động làm phức tạp tình hình trên Biển Đông, Trung Quốc còn gia tăng hoạt động quân sự trên eo biển Đài Loan. Tuần này, lực lượng Trung Quốc đụng độ với Ấn Độ ở vùng tranh chấp biên giới phía tây Himalayia khiến 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng.