Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch thành lập một nhóm mới phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một phần trong nỗ lực thúc đẩy chiến lược khu vực liên quan đến Mỹ, Ấn Độ và Australia, theo Nikkei.
Dự kiến đầu tháng tới, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ điều động thêm một quan chức phụ trách các vấn đề quốc tế đến Cục Chính sách Quốc phòng, thực tế là tăng gấp đôi nhân sự để phối hợp với các quốc gia khác ngoài Mỹ.
Tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ và tàu khu trục Fuyuzuki của Nhật Bản đi cùng tàu tiếp dầu Shakti của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Việc mở rộng về tổ chức phản ánh sự coi trọng của chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe đối với "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở", giữa lúc sự hiện diện trên biển của Trung Quốc đang thu hút sự chú ý mới.
Quan chức mới tại Phòng Chính sách Quốc tế của Cục Chính sách Quốc phòng sẽ tập trung vào việc hợp tác với các đồng minh Ấn Độ và Australia, cũng như với các quốc gia Đông Nam Á. Lãnh đạo hiện tại của phòng này sẽ phụ trách Trung Quốc, châu Âu và các đối tác khác.
Đã có những kêu gọi trong giới chính sách đối ngoại và quốc phòng Mỹ về việc tăng cường hợp tác giữa Washington với Australia, Ấn Độ và Nhật Bản - liên minh đôi khi được gọi là "bộ tứ".
Trong các cuộc họp trực tuyến hai tháng qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono kêu gọi những người đồng cấp ở Ấn Độ, Đông Nam Á và các quốc gia khác dọc theo các tuyến đường biển quan trọng tại Ấn Độ Dương phản đối "các nỗ lực thay đổi hiện trạng" bằng việc đe dọa vũ lực - cách nói ám chỉ hành động của Trung Quốc.
Hôm 25/6, ông Kono cũng lên tiếng quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, nói các hoạt động này "rất đáng báo động", theo Reuters.
Phát biểu được đưa ra sau khi Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ trên Biển Nhật Bản (JMSDF) cùng cho hay 2 tàu của JMSDF đã tham gia diễn tập với tàu tác chiến gần bờ USS Gabrielle Giffords của Mỹ tại Biển Đông hôm 23/6.
Cùng lúc, Tokyo và Bắc Kinh đang gia tăng căng thẳng ở biển Hoa Đông sau khi chính phủ Nhật Bản đổi tên đơn vị hành chính quản lý quần đảo Senkaku, nơi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với tên gọi Điếu Ngư. Bắc Kinh sau đó đã công bố danh sách 50 tên mới cho các thực thể dưới đáy biển xung quanh quần đảo tranh chấp.