Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 25/6 cho biết kế hoạch thành lập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông của Trung Quốc đã vi phạm trật tự dựa trên quy tắc và Bắc Kinh nên từ bỏ điều này, theo Rappler.
“Tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ không hành động theo kế hoạch này vì hòa bình và ổn định cho toàn bộ Biển Đông”, ông Lorenzana tuyên bố trong một thông cáo báo chí hôm 25/6.
Ngày 30/5, South China Morning Post dẫn lời các nguồn tin nội bộ trong giới quân sự Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh xây dựng kế hoạch lập ADIZ ở Biển Đông từ năm 2010. Việc lập ADIZ ở Biển Đông có nghĩa là Trung Quốc sẽ giám sát và kiểm soát tất cả hoạt động hàng không ở ADIZ. Trung Quốc sẽ yêu cầu máy bay từ các quốc gia khác khai báo thông tin và xin phép trước khi tiếp tục bay vào khu vực.
Ông Lorenzana cho biết điều này đi ngược lại các quy tắc được đặt ra bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Ông cũng lo ngại hành động này của Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và dẫn đến các tính toán sai lầm.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono tham dự một cuộc họp báo vào ngày 11/9/2019. Ảnh: Reuters. |
Bộ trưởng Lorenzana cũng cho biết ông đồng ý với ý kiến được đưa ra vào ngày 24/6 của tân tham mưu trưởng không quân Mỹ Charles Quinton Brown Jr về Biển Đông.
"Tôi quan ngại trước sự gia tăng hoạt động mang tính cơ hội của Trung Quốc nhằm cưỡng ép các láng giềng và thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của họ", ông Brown cho biết trong cuộc họp báo ngày 24/6.
Cùng ngày 25/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cũng lên tiếng quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Kono đã nói các hoạt động này “rất đáng báo động”, theo Reuters.
Tàu tác chiến gần bờ USS Gabrielle Giffords (phải) tham gia diễn tập cùng tàu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tại Biển Đông hôm 23/6. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) và tàu tác chiến gần bờ USS Gabrielle Giffords của Mỹ hôm 23/6 vừa kết thúc diễn tập tại Biển Đông. Cuộc diễn tập nhằm "thúc đẩy năng lực chiến thuật và tăng cường hợp tác với Hải quân Mỹ ", theo JMSDF.
Nhật Bản đã tăng cường sự hiện diện của mình ở Biển Đông trong những năm gần đây. Trong khi đó, Mỹ là quốc gia thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra và hoạt động tự do hàng hải trong khu vực để thách thức những yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.