CNN bình luận trong khi Trung Quốc vẫn còn vướng vào căng thẳng biên giới với Ấn Độ trên dãy Himalaya, một nhóm đảo nhỏ cách đó hàng nghìn km có thể là điểm nóng quân sự mới đang chờ bùng phát.
Cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền với các đảo không có người ở ngoài biển Hoa Đông. Quần đảo này được gọi là Senkaku ở Nhật Bản và Điếu Ngư ở Trung Quốc. Nó đã nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản từ năm 1972, theo CNN.
Căng thẳng trên chuỗi đảo này, cách Tokyo 1.900 km về phía tây nam, đã sôi sục nhiều năm qua. Với tuyên bố chủ quyền có niên đại hàng trăm năm, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều sẽ không lùi bước trước việc giành chủ quyền vùng lãnh thổ được xem là có được từ quyền kế thừa quốc gia ở cả hai nước.
Bức ảnh được chụp vào ngày 15/9/2010 cho thấy các hòn đảo đang tranh chấp được gọi là Senkaku ở Nhật Bản và Điếu Ngư ở Trung Quốc trên Biển Hoa Đông. Ảnh: CNN. |
Tranh chấp ở quần đảo này khác với những gì diễn ra trên dãy Himalaya, nơi mà một cuộc đụng độ giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ diễn ra vào tối 15/6 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Ấn Độ và Trung Quốc đã cố gắng giảm căng thẳng từ sau cuộc đụng độ.
Tuy nhiên, sự leo thang căng thẳng bất ngờ ở Senkaku/Điếu Ngư có dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ, theo CNN.
Đó là vì Mỹ có một hiệp ước phòng thủ lẫn nhau với Nhật Bản. Nếu lãnh thổ Nhật Bản bị tấn công bởi một cường quốc nước ngoài, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản.
Nỗi lo về một cuộc đối đầu đã tăng cao vào tuần trước sau khi Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) thông báo họ phát hiện các tàu của chính phủ Trung Quốc ở vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mỗi ngày từ giữa tháng 4.
Đến hôm 19/6, JCG đã nhìn thấy tàu Trung Quốc trong 67 ngày liên tiếp, một kỷ lục mới về số ngày liên tiếp phát hiện tàu Trung Quốc ở đây.
Lập trường không khoan nhượng
Đáp lại sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc, ông Yoshihide Suga, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, đã khẳng định lại lập trường Tokyo tại một cuộc họp báo vào ngày 10/6.
"Quần đảo Senkaku nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi và chắc chắn là lãnh thổ của chúng tôi theo lịch sử và luật pháp quốc tế. Điều cực kỳ nghiêm trọng là các hoạt động này vẫn tiếp tục. Chúng tôi sẽ phản ứng với phía Trung Quốc một cách kiên quyết và bình tĩnh", ông Suga nói.
Mọi người chụp ảnh một chiếc ôtô Nhật Bản bị hư hại trong cuộc biểu tình phản đối việc Nhật Bản "quốc hữu hóa" quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại thành phố Tây An của Trung Quốc, vào ngày 15/9/2012. Ảnh: CNN. |
Hôm 19/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng có tuyên bố tương tự Nhật Bản nhưng từ hướng ngược lại.
"Đảo Điếu Ngư và các đảo trong chuỗi đảo của nó là một phần không tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi có quyền thực hiện các hoạt động tuần tra và thực thi pháp luật ở các vùng biển này", Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Những bình luận tương tự gần đây cũng được đăng trên tờ Global Times của Trung Quốc. Bài báo có tiêu đề Những người bảo thủ ở Nhật Bản phá vỡ sự phục hồi quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản bằng cách thổi phồng tranh chấp quần đảo Điếu Ngư đã chỉ trích những nỗ lực nhằm thay đổi chính quyền quản lý các đảo đang diễn ra ở quận Okinawa của Nhật Bản. Bài báo nói rằng điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc.
Nhìn bề ngoài, động thái thay đổi chính quyền các đảo được đưa ra bởi hội đồng thành phố Ishigaki, nơi các hòn đảo được quản lý, có vẻ khá vô hại.
Theo tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản, hội đồng muốn tách các hòn đảo khỏi các khu vực đông dân cư trên đảo Ishigaki để hợp lý hóa các hoạt động hành chính.
Trong nghị quyết của Hội đồng thành phố Ishigaki, thành phố "khẳng định các đảo là một phần của lãnh thổ Nhật Bản". Đây là điều khiến Bắc Kinh tức giận.
Cuộc bỏ phiếu ở Ishigaki sẽ diễn ra tại cuộc họp hội đồng hôm 22/6.
Cuộc khủng hoảng gần đây nhất tại khu vực Senkaku/Điếu Ngư xảy ra vào năm 2012.
Năm đó, Nhật Bản đã quốc hữu hóa các hòn đảo thuộc sở hữu tư nhân để tránh việc bán chúng cho thống đốc lúc bấy giờ của Tokyo, một người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn và muốn phát triển quần đảo.
Kế hoạch này đã gây ra các cuộc biểu tình lớn trên khắp Trung Quốc. Người biểu tình ném các mảnh vỡ vào Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh, cướp bóc các cửa hàng và nhà hàng Nhật Bản và lật ngửa xe hơi nhãn hiệu Nhật Bản.
Suy nghĩ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là của Trung Quốc ăn sâu vào tiềm thức người dân Trung Quốc đến nỗi một người đàn ông Trung Quốc đã bị đồng bào của mình đánh đập đến hôn mê chỉ vì ông ta lái xe Toyota Corolla.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là ưu tiên hàng đầu của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) trong vài năm qua. Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), một nhóm chuyên gia về chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế, lưu ý rằng Tokyo đã thành lập các căn cứ quân sự mới gần đó để bảo vệ các đảo. JSDF cũng đã và đang xây dựng lực lượng thủy quân lục chiến và cho lực lượng này tập trận ở mặt trận biển đảo.
Mặc dù các đảo này không có người ở, vẫn có những lợi ích kinh tế liên quan, theo CFR.
Các hòn đảo "có trữ lượng dầu và khí tự nhiên tiềm năng, gần các tuyến đường biển quan trọng và được bao quanh bởi các bãi cá phong phú", CFR cho biết.
Điều gì có thể dẫn đến một cuộc đụng độ?
Bất cứ điều gì cũng có thể dẫn đến rắc rối tiềm tàng ở đây, ông William Choong, một nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho biết.
"So với các điểm nóng khác trong khu vực - Biển Đông, Đài Loan và Triều Tiên - biển Hoa Đông là pha trộn độc đáo và dễ bùng phát của lịch sử, danh dự và lãnh thổ", ông Choong viết trên The Interpreter, blog của Viện Lowy ở Australia, vào tháng này.
Dự án Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) vẽ ra một kịch bản - như thủy thủ đoàn của một con tàu bị hỏng hoặc máy bay hạ cánh trên một trong những hòn đảo - có thể biến thành một sự cố quốc tế nghiêm trọng.
"Nếu các đội đánh cá, cảnh sát biển hoặc thành viên quân đội Trung Quốc đổ bộ vào Senkaku, thì JCG chắc chắn sẽ tìm cách khiến họ rời đi bằng hành động thực thi pháp luật. Điều này có thể dẫn đến phản ứng quân sự đáng kể từ Trung Quốc”, AMTI cho biết.
Các tàu tấn công đổ bộ của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản đổ bộ vào bãi biển trong cuộc tập trận đổ bộ ở Philippines năm 2018. Ảnh: CNN. |
Trung Quốc đang cho thấy nước này sẵn sàng thực hiện yêu sách của mình trong tình hình hiện tại ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chẳng hạn, ở Biển Đông, Trung Quốc đã đưa máy bay lên các đảo nhân tạo nước này đã xây dựng. Trung Quốc cũng đánh chìm một tàu cá Việt Nam và đâm vào một tàu cá khác. Trung Quốc đã quấy rối một tàu khảo sát do Malaysia thuê và đưa một tàu khảo sát của mình vào vùng biển mà Indonesia tuyên bố chủ quyền.
Ngoài ra, trong vài tuần qua, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bị các máy bay chiến đấu Đài Loan xua đi ít nhất năm lần.
Sau đó, biên giới Ấn Độ - Trung Quốc ở dãy Himalaya nổ ra căng thẳng. Trước và sau cuộc đụng độ chết người vào hôm 15/6, truyền thông Trung Quốc liên tục đưa tin về lực lượng quân sự mà Trung Quốc có thể triển khai trên núi.
Ông Choong cho rằng sẽ không khôn ngoan nếu nghĩ rằng Senkaku/Điếu Ngư không được chú ý như các điểm nóng trên.
"Vấn đề quan tâm không phải là liệu Trung Quốc có muốn thách thức Nhật Bản trên các đảo hay không. Câu hỏi cần đặt ra là Trung Quốc sẽ làm điều đó khi nào và bằng cách nào? Đây là điều khiến các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản (và Mỹ) trăn trở", ông Choong viết.