Hai trong số các người máy - Otonaroid và Kodomoroid - có khả năng trình diễn nhiều nhiệm vụ như chào đón khách tham quan tới bảo tàng Miraikan ở Odaiba, thành phố Tokyo. Chúng có kích thước bằng người thật, với da bằng silicon và cơ nhân tạo, Japan Times đưa tin.
Người máy Otonaroid có hình dáng như một phụ nữ. Ảnh: EPA. |
Otonaroid có hình dáng giống một phụ nữ. Người ta đặt nó trên một chiếc ghế dài để mọi người có thể trò chuyện thông qua một hệ thống kiểm soát. Khách tham quan có thể trông thấy những biến đổi trên khuôn mặt của robot.
Kodomoroid có hình dạng giống một thiếu nữ. Robot có thể cử động bàn tay, nghiêng đầu, mấp máy môi, nhíu mày, nháy mắt và nghiêng đầu sang hai bên. Ngoài ra, Kodomoroid còn đọc bản tin một cách trôi chảy, uốn lưỡi một cách phức tạp và có thể phát âm cả giọng nam và nữ. Nó chính là robot đầu tiên trên thế giới có khả năng đọc bản tin.
Theo AFP, các phóng viên tại Miraikan vô cùng bất ngờ khi Kodomoroid đọc một bản tin về động đất và tin về cuộc đột kích của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI). Kodomoroid còn trêu chọc người tạo ra “cô” bằng cách quay sang nói với giáo sư robot Hiroshi Ishiguro rằng: “Ông bắt đầu trông giống như một robot rồi đó”.
Giáo sư Hiroshi Ishiguro bên cạnh "người dẫn chương trình" Kodomoroid. Ảnh: EPA. |
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng trình làng robot thứ ba với tên gọi Telenoid. Nó mang hình dáng của một em bé. Giống Otonaroid, Tenoid cũng có khả năng tương tác với khách tham quan thông qua hệ thống điều khiển từ xa.
Giáo sư Hiroshi Ishiguro cho biết: “Mục đích của việc chế tạo người máy là nhằm khám phá con người, đặt câu hỏi về cảm xúc, nhận thức và tư duy của chúng ta”.
Theo ông Mahoro Uchid, người đứng đầu bộ phận phát triển của bảo tàng Miraikan, triển lãm robot bắt đầu từ hôm nay 25/6 và sẽ kéo dài trong 3 năm.