Nhờ vào chương trình khuyến khích đặc biệt, 37% chính quyền thành phố tại Nhật cho biết số nhà không người ở tại địa phương đã sụt giảm so với năm 2013, theo Nikkei Asia.
Mikasa, trên hòn đảo nằm phía bắc Hokkaido, là nơi áp dụng thành công chương trình ưu đãi khi giảm thiểu được 11% số lượng nhà bỏ trống. Các khoản trợ cấp hào phóng của thành phố cho việc chăm sóc trẻ em và mua nhà đã thu hút dân cư đến từ cộng đồng lân cận. Nhiều người trong số họ thậm chí vẫn có thể giữ được công việc tại nơi ở cũ.
Một ngôi nhà trống ở Kawaguchiko, tỉnh Yamanashi. Ảnh: Nikkei Asia. |
Thị trấn Fujikawaguchiko, nằm ở chân núi Phú Sĩ, đứng thứ hai với 8,3%. Nhiều ngôi nhà vô chủ đã được bán chỉ trong vòng 5 năm. Người dân địa phương cũng tích cực tham gia quá trình thu hút những ai có quan tâm đến việc chuyển đến sống tại khu vực này.
“Hiện có nhiều gia đình trẻ chuyển đến đây trong khi họ vẫn giữ được công việc tại Tokyo do lựa chọn làm việc từ xa”, chính quyền thị trấn cho biết.
Không chỉ có Mikasa hay Fujikawaguchiko, cảnh quan tuyệt đẹp cùng với khoản trợ cấp lên tới 2 triệu yên (tương đương 18.200 USD) cho người mua sửa chữa nhà đã thu hút nhiều người đến sống tại Daisen ở tỉnh Tottori.
Thậm chí ở Tokyo, thị trấn Okutama còn hào phóng đến mức sẽ bàn giao miễn phí các tòa nhà cũ cho chủ sở hữu mới. Mặc dù nằm xa trung tâm thành phố và bị bỏ hoang trong nhiều thập kỷ, nhiều tòa nhà đã được cải tạo và nâng cấp thành xưởng sản xuất, nhà hàng và các hoạt động kinh doanh khác.
“Các ưu đãi này không chỉ giúp chủ sở hữu cũ của tòa nhà - những người đang gặp khó khăn khi sử dụng tài sản và nộp thuế - mà còn giúp cho cả chính quyền địa phương khi giảm rủi ro việc nhà trống sụp đổ hoặc gây nguy hiểm khác trong tương lai”, trích lời phát ngôn viên của Văn phòng chính quyền Okutama.
Trong bối cảnh dân số sụt giảm, Nhật Bản đã phải đối mặt với tình trạng ngày càng nhiều khu nhà bỏ hoang, không có khả năng tìm được chủ mới.
Nikkei Asia ngày 30/5 dẫn một báo cáo từ Bộ Nội vụ Nhật Bản cho biết tính đến năm 2018, trên khắp cả nước có khoảng 8,49 triệu ngôi nhà trống - tăng 3,6% chỉ trong 5 năm.
Điều đáng chú ý là những căn hộ không được niêm yết bán hay cho thuê ngay cả khi chủ đã chuyển đi từ lâu. Ví dụ, tỷ lệ nhà vô chủ - bao gồm cả nhà trống do chủ sở hữu qua đời - tăng 9,5%, chiếm 40% tổng số nhà trống trên khắp xứ sở hoa anh đào.
Những ngôi nhà trống có thể dẫn đến tỷ lệ tội phạm gia tăng do dễ dàng trở thành địa bàn hoạt động của các băng nhóm.
Trước nhiều lo lắng đó, chính phủ gần đây đã phải đưa ra yêu cầu mới đối với chủ sở hữu tài sản thừa kế. Những người này phải đăng ký tài sản của mình với chính phủ trong một khung thời gian cụ thể.
Tuy nhiên, theo giáo sư Hidetaka Yoneyama của Đại học Kinh tế và Luật Osaka, Nhật Bản cần có những thay đổi lớn trong chính sách nhà ở. “Chính phủ cần tạo ra một khuôn khổ nhất định để số lượng dân cư và quy mô cộng đồng phù hợp với nhau. Ngoài ra cũng cần đảm bảo chủ sở hữu có khả năng phá dỡ nhà ở tại thời điểm mua nếu họ có ý định chuyển đi”, ông nói.