Lực lượng vũ trang Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua chủ yếu duy trì chính sách quốc phòng mang tính tự vệ. Ảnh: Reuters. |
Theo đó, yêu cầu này đã được đưa ra trong cuộc gặp giữa 2 bộ trưởng và Thủ tướng Fumio Kishida vào tối 28/11, giữa lúc nước này đang gặp khó khăn trong việc cấp vốn cho các thỏa thuận mua vũ khí tối tân như tên lửa hành trình. Ngoài ra, nền kinh tế đang phải đối mặt với tác động của tình trạng già hóa dân số và tỉ lệ nợ tăng cao.
Trong quá khứ, Thủ tướng Kishida đã tránh nhắc đến một mức chi tiêu quốc phòng cụ thể.
"Chúng tôi đang xây dựng dự thảo ngân sách dành cho lĩnh vực quốc phòng và các hoạt động có liên quan khác. Khoản ngân sách này, dự kiến được áp dụng kể từ năm 2027, sẽ chiếm 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada trả lời phóng viên sau cuộc gặp với Thủ tướng Kishida.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki vào hôm 29/11 cho biết chính phủ đang chuẩn bị khoản ngân sách phù hợp với yêu cầu của Thủ tướng Kishida.
Tuy nhiên, ông nói các chi tiết của gói ngân sách này đang được thảo luận.
Trong bối cảnh người người Nhật đang ngày càng lo ngại về tình hình xung đột ở Ukraine, cũng như tình trạng gia tăng căng thẳng liên quan đến vấn đề Đài Loan, ông Kishida nhiều lần khẳng định sẽ tăng cường năng lực quốc phòng của Nhật Bản thông qua việc tăng chi tiêu cho hoạt động quân sự và mua sắm trang thiết bị.
Tuy Nhật Bản không phải một phần của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), con số 2% được ông Kishida đưa ra tương đương với yêu cầu của tổ chức này đối với các quốc gia thành viên.
Gói chi tiêu mới đang được Thủ tướng Kishida đề xuất đánh dấu sự thay đổi lớn của Nhật Bản, quốc gia đã dự lại bản hiến pháp được Mỹ soạn thảo vào năm 1947, trong đó bao gồm nhiều điều khoản hạn chế phát triển quân đội và năng lực quốc phòng.
Nhật Bản, do được bảo vệ bởi "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ, trong nhiều năm đã qua đã hạn chế chi tiêu quốc phòng ở mức 1% GDP, tương đương với khoảng 36 tỷ USD.
Việc tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Theo Kyodo News, gói ngân sách quốc phòng mới dự kiến bao gồm các khoản chi tiêu không được đề cập đến trong những gói ngân sách quốc phòng trước như nghiên cứu khoa học công nghệ. Điều này có nghĩa khoản chi tiêu gói ngân sách quốc phòng mới có thể sẽ không cao gấp 2 lần so với các gói chi tiêu hiện tại.
Chính phủ Nhật Bản trước đó đã sửa đổi Chiến lược An ninh Quốc gia và đang thực hiện những bước đi cuối để thông qua ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2023.
Cục diện chính trị Đông Á giai đoạn 1991-2016
Mục Thế giới giới thiệu tới quý độc giả cuốn sách “Cục diện chính trị Đông Á giai đoạn 1991-2016” do NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 2018. Cuốn sách tập trung nghiên cứu, phân tích, lý giải chuyên sâu về những diễn biến chính trị nổi bật diễn ra tại Đông Á và những tác động, ảnh hưởng của những sự kiện này tới đời sống chính trị khu vực và thế giới giai đoạn này.