Tokyo có kế hoạch triển khai 9 tàu tuần tra từ tháng 11/2016 đến năm 2018 và tăng gấp 4 lần nguồn nhân lực, thiết bị giám sát nhằm phục vụ cho công tác tuần tra ở vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo đài truyền hình NHK, các tàu tuần tra mới được nâng cấp với vỏ tàu gia cố hơn nhằm tăng khả năng chống chịu các cú đâm va từ tàu cá. Ngoài ra, số tàu này cũng được lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát cải tiến, có cửa sổ trong phòng lái để tăng khả năng quan sát xung quanh, giúp lực lượng tuần tra biển của Nhật giám sát tốt hơn biển Hoa Đông.
Lượng tàu cá Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày càng nhiều khiến cho Nhật Bản ngày càng lo ngại. Ảnh: UPI. |
Tokyo cũng đang lên kế hoạch sản xuất một tàu tuần tra tải trọng 6.500 tấn có thể chở một trực thăng và tăng lượng binh sĩ canh gác quần đảo Senkaku từ 55 lên 200 vào tháng 3/2019.
Nhật Bản đang ngày càng lo ngại trước những hành động quyết liệt trên biển của Bắc Kinh, khi các tàu của Trung Quốc liên tiếp đi vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp giữa hai nước Senkaku/Điếu Ngư.
Theo lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, thời gian gần đây lượng tàu cá Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển quanh quần đảo Senkaku ngày càng nhiều. Trong năm 2015, có 99 chiếc đi vào khu vực này thì từ đầu 2016 đến nay, con số này tăng lên 135 tàu, chiếm 70% lượng tàu đánh bắt cá ở đây.
2014 là năm tàu cá Trung Quốc vào khu vực gần Senkaku nhiều nhất với 208 chiếc. Đối phó với tình hình này, ngay trong năm đó, Nhật Bản đã xúc tiến sản xuất 3 tàu tuần tra ở đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa. 3 tàu này sẽ được triển khai đến Senkaku vào tháng 11.
Tranh chấp quần đảo thuộc biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư có nguồn gốc từ nhiều thế kỷ trước đây. Quần đảo hiện do Nhật Bản quản lý và chủ quyền đối với quần đảo có ý nghĩa quan trọng về các mặt an ninh, kinh tế đối với cả Tokyo và Bắc Kinh.
Năm 2010, căng thẳng giữa hai nước bùng lên sau khi Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng một tàu đánh cá của Trung Quốc va chạm với tàu tuần tra của Nhật Bản ở vùng biển tranh chấp này. Lập tức, Trung Quốc quyết định ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, dừng những trao đổi chính trị và văn hóa giữa hai nước trong áp lực buộc Tokyo phải trả tự do cho thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc.
Từ năm 2012, tàu của Trung Quốc thường đến gần khu vực tranh chấp sau khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo. Những hành động gần đây của Trung Quốc khiến Nhật Bản lo ngại Bắc Kinh có thể đang leo thang các hành động của họ tại biển Hoa Đông.