Xe tăng chiến đấu chủ lực Type 10 của Nhật Bản. Ảnh: Armyrecognition.com |
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nêu rõ hiệp định mà ông sẽ ký với Đại sứ Nhật Bản ở Manila ngày 29/2 không nhằm chống lại bất cứ quốc gia nào, theo AP. Mục đích của thỏa thuận nhằm giải quyết các hạn chế về năng lực quân sự của Philippines do thiếu được đầu tư. Theo ông Gazmin, quân đội Philipines hiện có nhu cầu nâng cấp khả năng trinh sát, giám sát và tình báo.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho hay, Manila là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đạt thỏa thuận quốc phòng như vậy với Tokyo.
Một quan chức an ninh cấp cao của Philippines cho biết hiệp định mới sẽ mở đường cho Nhật Bản bán vũ khí mới, chuyển giao công nghệ quốc phòng, trao tặng những thiết bị quân sự cũ hoặc đào tạo quốc phòng cho các lực lượng Philippines.
Tuy nhiên, Philippines bị giới hạn hoạt động bán lại hoặc chuyến giao bất kỳ thiết bị quân sự của phía Nhật Bản cung cấp, cho nước thứ 3.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng thực hiện nhiều chuyến thăm lẫn nhau, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng. Các nhà quan sát nhận định, điều này có thể dẫn tới cuộc đàm phán giữa hai nước về một hiệp ước an ninh, cho phép các lực lượng Nhật Bản tập trận lớn với quân đội Philippines tại Philippines.
Ngày 21/12/2015, Tổng thống Aquino cam kết sẽ xây dựng một lực lượng vũ trang hùng mạnh và có năng lực hơn để đối phó với các thách thức ở Biển Đông.
Nhật Bản và Trung Quốc hiện có tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Năm ngoái, Quốc hội Nhật thông qua luật an ninh mở rộng vai trò của quân đội nước này bằng cách nới lỏng những hạn chế sau Thế chiến II, diễn giải lại hiến pháp và thay đổi cơ bản cách triển khai quân đội.