Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật Bản rút khỏi ủy ban cá voi quốc tế bất chấp chỉ trích

Lần đầu tiên sau hơn 30 năm, Nhật Bản sẽ chính thức cho phép các tàu cá quay trở lại đánh bắt cá voi phục vụ mục đích thương mại, bất chấp sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Hôm 26/12, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo các tàu đánh bắt cá voi của nước này sẽ chính thức trở lại hoạt động với mục đích thương mại từ tháng 7/2019, quyết định thách thức lệnh cấm toàn cầu được ban hành năm 1986 đối với hoạt động này.

Song ông Suga cho biết việc đánh bắt cá voi sẽ được hạn chế trong phạm vi lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật. Những chuyến đánh bắt xa bờ hàng năm của tàu săn cá voi Nhật ở vùng biển phía nam giáp Australia cũng sẽ chấm dứt. Đây là vấn đề từng gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Tokyo và Canbera trước đây.

Ông Suga nói Nhật Bản sẽ chính thức thông báo quyết định của nước này cho Ủy ban Săn bắt Cá voi Quốc tế (IWC) vào cuối năm nay, và quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 30/6/2019.

Vấp phải sự phản đối của thế giới

Thông tin Nhật Bản rút khỏi ủy ban quốc tế gồm 89 thành viên đã được đưa ra từ tuần trước, khiến chính phủ Australia cùng các nhà bảo tồn thiên nhiên bày tỏ sự quan ngại và giận dữ.

Trong một thông báo chung được đưa ra bởi Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Môi trường Melissa Price, chính phủ Australia cho biết họ "cực kỳ thất vọng" trước quyết định rút khỏi IWC, quay lại đánh bắt cá voi thương mại của Nhật Bản.

Nhat rut khoi uy ban ca voi quoc te anh 1
Một con cá voi Minke cập cảng Kushiro trên đảo Hokkaido, Nhật Bản, vào năm 2017. Nhật Bản sẽ chính thức trở lại đánh bắt cá voi thương mại từ ngày 1/7/2019. Ảnh: Getty.

Thông báo có đoạn viết: "Ủy ban Săn bắt Cá voi Quốc tế đóng vai trò quan trọng trong hợp tác quốc tế để bảo tồn cá voi. Ủy ban này là cơ quan hàng đầu thế giới chịu trách nhiệm bảo tồn và quản lý cá voi... Quyết định của Nhật Bản là hết sức đáng tiếc và Australia thúc giục Nhật Bản ưu tiên quay trở lại ủy ban này".

Trong khi đó, tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cáo buộc Nhật Bản cố tình lựa chọn dịp cuối năm dể đưa ra tuyên bố này nhằm tránh sự chú ý và chỉ trích.

Giám đốc điều hành tổ chức này, ông Sam Annesley, cho biết: "Chính phủ Nhật Bản phải khẩn trương hành động để bảo tồn các hệ sinh thái biển, thay vì tiếp tục đánh bắt cá voi thương mại".

"Với công nghệ đánh bắt hiện đại, việc khai thác quá đà ở cả gần bờ Nhật Bản và những vùng biển sâu dẫn đến sự suy giảm của rất nhiều loài cá voi. Hầu hết số lượng các loài cá voi này đều chưa thể hồi phục, trong đó có những loài cá voi lớn như cá voi xanh, cá voi vây và cá voi sei", ông nói.

Hiệp hội Bảo tồn Biển Australia cho rằng quyết định chấm dứt đánh bắt cá voi ở vùng biển Nam Cực là quyết định được chào đón và đáng ra đã phải thực hiện từ lâu. Người đứng đầu tổ chức, ông Darren Kindleysides, thậm chí còn kêu gọi chính phủ Australia yêu cầu các tàu cá Nhật Bản rời khỏi vùng biển này ngay lập tức thay vì đợi đến cuối mùa săn bắt vào tháng 2 hoặc tháng 3 hàng năm.

"Australia đã nỗ lực trong hàng thập kỷ để bắt những người đánh bắt cá voi tránh xa vùng biển Nam Cực, nhưng điều này sẽ chẳng thấm vào đâu nếu như Nhật Bản có thể đánh bắt mà không bị kiểm soát ở vùng biển của họ", ông Kindleysides cho biết.

Đánh bắt "bền vững"?

Tuyên bố của Nhật Bản đã được đoán trước từ lâu sau khi nước này không thể giành được sự ủng hộ của các nước còn lại với đề xuất thay đổi quy trình ra quyết định của IWC. Đề xuất của Nhật Bản sẽ giúp nước này dễ dàng có đủ số phiếu ủng hộ để chấm dứt lệnh cấm đánh bắt cá voi thương mại. Lệnh cấm này được IWC đưa ra năm 1986 để bảo vệ nguồn cá voi đang suy giảm.

Nhật Bản cho rằng lệnh cấm nên là một biện pháp tạm thời để bảo tồn cá voi, và đến một lúc nào đó lệnh cấm nên được dỡ bỏ để các bên có thể đánh bắt một cách bền vững, vì đây mới là mục tiêu ban đầu của IWC.

Nhat rut khoi uy ban ca voi quoc te anh 2
Thịt cá voi được bày bán tại một chợ cá ở Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Ông Itsunori Onodera, cựu bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản, hiện là cố vấn cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) về đánh bắt hải sản, phát biểu trên kênh truyền hình NHK: "Tôi đã tham dự những cuộc gặp của IWC trong quá khứ và tôi từng bất ngờ với quan điểm vô cùng thành kiến của họ".

Các quan chức thủy sản Nhật Bản cho rằng số lượng một số loài cá voi nhất định, tiêu biểu như cá voi Minke, đã hồi phục đến mức có thể tiếp tục "đánh bắt một cách bền vững".

Nhật Bản từ lâu đã sử dụng một kẽ hở trong lệnh cấm của IWC để đánh bắt cá voi và tuyên bố phục vụ mục đích khoa học. Những phần còn lại của cá voi sau khi nghiên cứu sẽ được bán ở thị trường quốc nội, mặc dù nhu cầu về thịt cá voi ở Nhật Bản đã sụt giảm nhiều trong những năm gần đây.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thịt cá voi trở thành một nguồn dinh dưỡng chứa protein quan trọng đối với người dân Nhật Bản. Theo thống kê, vào những năm 1960, Nhật Bản tiêu thụ khoảng 200.000 tấn cá voi mỗi năm.  Con số này đã sụt giảm xuống mức 5.000 tấn trong những năm gần đây.

Bên cạnh Nhật Bản, Iceland và Na Uy là hai quốc gia công khai chống lại lệnh cấm săn bắt cá voi thương mại của IWC. Tuy nhiên, Iceland có hạn mức đánh bắt và các tàu săn cá voi của đảo quốc này cũng không hoạt động liên tục. Vào năm 2015, Iceland giết 155 con cá voi để lấy thịt và tạm dừng săn bắt cho đến năm nay. Hạn mức của năm 2018 là 191 con cá voi vây.

Trong khi đó, chính phủ Na Uy áp đặt hạn mức săn bắt lỏng hơn nhiều với 1.278 con cá voi cho năm 2018. Mặc dù vậy, các ngư dân nước này thường không tiến gần đến giới hạn này. Na Uy cấp phép săn bắt 999 con cá voi trong năm 2017 nhưng các ngư dân chỉ đánh bắt 432 cá thể. Cũng giống như Iceland, phần lớn số cá voi đánh bắt được ở Na Uy được chế biến để xuất khẩu sang Nhật Bản.

145 con cá voi mắc cạn ở New Zealand và những tiếng khóc bên bờ biển

"Đó là đêm tồi tệ nhất trong đời tôi", Liz Carlson kể lại thời điểm cô cùng bạn mình phát hiện gần 145 cá voi hoa tiêu mắc cạn trên bờ biển New Zealand và đang hấp hối.

Bí ẩn hàng loạt hải cẩu thầy tu Hawaii bị mắc lươn biển vào mũi

Một số con hải cẩu thầy tu Hawaii bị bắt gặp với một con lươn biển kẹt trong mũi trong khi giới nghiên cứu không thể lý giải tại sao điều này lại xảy ra.

Sơn Trần (theo Guardian)

Bạn có thể quan tâm