Một con hải cẩu Hawaii non nằm trên bãi biển cát trắng ở quần đảo này, dưới bóng cây xanh và tỏ ra hết sức thoải mái. Đôi mắt của nó lim dim và sự thanh thản hiện rõ trên khuôn mặt. Nhưng chính phong thái bình tĩnh đó khiến mọi người ngạc nhiên.
Đơn giản là vì có một con lươn biển to đùng đang thò ra ở lỗ mũi bên phải của nó.
"Thật là kinh ngạc!", Washington Post dẫn lời bác sĩ thú y Claire Simeone thốt lên khi chứng kiến hình ảnh này. Bác sĩ Simeone, người cũng là một chuyên gia về hải cẩu Hawaii, cho rằng thật kỳ lạ khi có một con vật kẹt trong mũi một con vật khác.
Lươn biển trong lỗ mũi của một con hải cẩu thầy tu Hawaii, bức ảnh nhanh chóng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Ảnh: NOAA. |
'Không thể giải thích nổi'
Bức ảnh ấn tượng này được chia sẻ trên trang Facebook của Chương trình Nghiên cứu Hải cẩu thầy tu Hawaii thuộc Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ, và chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút sự chú ý của nhiều người trên toàn thế giới.
Ông Charles Littnan, nhà nghiên cứu đứng đầu chương trình cho biết ông cũng không thể giải thích tại sao điều này lại xảy ra. Mọi chuyện bắt đầu từ 2 năm trước khi một buổi sáng ông Littnan thức dậy và nhận được email có nội dung ngắn gọn: "Lươn trong mũi".
Nhà khoa học kể lại với Washington Post rằng ông đã hoàn toàn bất ngờ vì chưa từng có trường hợp nào tương tự được phát hiện trước đây. Sau khi trao đổi, các nhà nghiên cứu quyết định dùng phương án thủ công: cầm đuôi con lươn và kéo nó ra khỏi mũi của con hải cẩu.
Sau vài phút, một con lươn biển đã chết dài khoảng 75 cm được lôi ra khỏi mũi con hải cẩu. Tới nay, các nhà nghiên cứu đã thống kê có ít nhất 4 trường hợp lươn mắc kẹt trong mũi của một con hải cầu được phát hiện, lần gần nhất là vào mùa thu năm nay.
Ông Littnan cho biết trong tất cả các trường hợp, những con lươn đều đã chết còn những con hải cẩu đều không gặp vấn đề nào.
"Chúng tôi không hiểu tại sao điều này lại diễn ra. Nếu bạn theo dõi thế giới tự nhiên đủ lâu bạn sẽ thấy thỉnh thoảng có những trường hợp thật kỳ lạ, và có thể đây sẽ là một trong số những điều bí ẩn diễn ra trong sự nghiệp của chúng tôi, mà 40 năm nữa khi nghỉ hưu chúng tôi cũng không thể giải thích nổi", ông Littnan chia sẻ.
Mặc dù vậy các nhà nghiên cứu đã kết luận việc này diễn ra không phải do bàn tay con người vì các trường hợp được ghi nhận đều diễn ra ở những hòn đảo hẻo lánh.
Về phần mình, ông Littnan đưa ra vài giả thuyết để lý giải vì sao lươn biển lại mắc kẹt trong mũi của hải cẩu thầy tu Hawaii. Theo ông Littnan, cá, bạch tuộc và lươn biển là những con mồi ưa thích của hải cẩu và chúng thường ẩn náu trong các rặng san hô để tránh bị hải cẩu ăn thịt.
Nhưng vì hải cẩu không có tay, loài động vật có vú này sẽ phải đi săn bằng việc dụi đầu vào các rặng san hô, phun nước thật mạnh bằng miệng vào các kẽ hở để đẩy những con mồi ra. "Chúng làm rất nhiều trò để săn mồi, nhưng về cơ bản chúng hay cắm mặt vào các rặng san hô", ông Littnan cho biết.
Ban đầu ông Littnan cho rằng có một con lươn nào đó trong lúc hoảng loạn đã quyết định cách tốt nhất để chống trả là chui vào mũi của con hải cẩu.
Nhưng sau đó nhà nghiên cứu cho rằng giả thuyết này không hợp lý lắm vì "Những con lươn biển rất dài và đường kính của chúng cũng gần bằng với lỗ mũi của hải cẩu".
Bên cạnh đó ông Littnan cũng cho biết mũi của hải cẩu thường đóng lại khi chúng đi săn dưới nước, và cơ mũi của chúng rất khỏe nên sẽ rất khó khăn để một con lươn có thể chui vào.
Một giả thuyết khác là con lươn đi ra từ mũi hải cẩu khi chúng nôn, cũng giống như điều thường xảy ra với con người. Hải cẩu là động vật nhai lại và chúng thường ói những con mồi của mình ra.
Hải cẩu thầy tu Hawaii có tên khoa học là Monachus schauinslandi, chỉ sinh sống ở khu vực quần đảo Hawaii và đang bị đe dọa nghiêm trọng khi chỉ còn khoảng hơn 1.000 cá thể trong tự nhiên. Ảnh; New York Times. |
Rắc rối của những con hải cẩu "trẻ trâu"?
Tuy nhiên ông Littnan cho biết có rất ít khả năng một con lươn biển với kích thước lớn lại đi ra từ đường mũi thay vì đường miệng khi hải cẩu ói. Nhà nghiên cứu này thay vào đó đưa ra một giả thuyết khác hết sức thú vị.
Ông Littnan cho rằng, vì hải cẩu là động vật bậc cao, những con hải cẩu non cũng có điểm tương đồng với con người ở tuổi thiếu niên, đó là "bị thu hút một cách tự nhiên với việc vướng vào rắc rối".
Nhà nghiên cứu nhận định: "Có thể coi việc này giống như việc những thiếu niên thường thích chạy theo xu hướng. Có lẽ đã có một con hải cẩu non làm việc ngu ngốc này và những con khác cùng độ tuổi đang cố gắng bắt chước".
Mặc dù không có con hải cẩu nào chết vì lươn biển kẹt trong mũi, nhưng một động vật chết trong đường thở sẽ khiến loài động vật có vú này gặp nhiều rủi ro. Hải cẩu sẽ không thể đóng kín mũi hoàn toàn khi đi săn và nước biển có thể lọt vào phổi khiến cho một cá thể bị viêm phổi. Xác lươn chết trong mũi cũng khiến hải cẩu đối mặt với nguy cơ bị nhiễm trùng.
Mặc dù việc "hít lươn" chưa lây lan rộng trong cộng đồng hải cẩu thầy tu Hawaii, ông Littnan bảy tỏ mong muốn điều đó sẽ không bao giờ diễn ra.
"Chúng tôi hy vọng đây chỉ là một trường hợp hy hữu sẽ biến mất và không bao giờ trở lại".