Vài ngày trước khi mùa đánh cá hè bắt đầu, khi những hướng dẫn viên du lịch ở bờ biển phía tây của Canada chuẩn bị bước vào giai đoạn kiếm tiền quan trọng nhất trong năm, chủ tàu Ryan Chamberland nhận được một thông báo khiến ông suy sụp.
Toàn bộ bờ biển của đảo Vancouver sẽ bị cấm hoạt động đánh bắt. Đây là khu vực mà ông Chamberland và 4 thế hệ trong gia đình đã câu cá hồi và phục vụ du lịch trong nhiềm năm.
Chỉ còn 74 cá thể sót lại
Lệnh cấm là một phần của những nỗ lực trong tuyệt vọng của chính phủ Canada để bảo vệ cá voi sát thủ, loài động vật đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Cũng trong mùa hè này, một con cá voi sát thủ được các nhà khoa học đặt tên Tahlequah đã khiến cả thế giới xúc động khi ôm xác con của nó theo bên mình trong suốt 17 ngày trời.
Chỉ sau đó một thời gian ngắn, một con khác 3 tuổi tên Scarlet, nổi tiếng với sự nghịch ngợm, cũng ra đi vì bị nhiễm khuẩn, bất chấp việc các nhà khoa học Mỹ và Canada đã cố hết sức để cứu mạng nó.
Con cá voi sát thủ có tên Tahlequah ôm xác con mình lênh đênh trên mặt nước trong hơn nửa tháng trời, khiến cả thế giới xúc động. Ảnh: AP. |
Thảm kịch đang diễn ra với loài cá voi sát thủ và những quyết định của chính phủ Canada liên quan đến một hệ sinh thái vô cùng phức tạp trong cuộc khủng hoảng này. Cá hồi Chinook, thức ăn chính của cá voi sát thủ, cũng đang giảm dần về số lượng. Tại những khu vực dựa chủ yếu vào đánh bắt cá và du lịch ở Canada, sự suy giảm của 2 loài vật này dẫn đến những tranh cãi về việc làm thế nào để ngăn chặn sự sụp đổ của một hệ sinh thái đã tồn tại hàng trăm năm.
Ông Chamberland cho biết: “Cấm chúng tôi hoạt động để tạo thêm thức ăn cho chúng, điều này sẽ chẳng mang lại kết quả gì cả”. Sau khi tin tức về lệnh cấm được lan truyền, ông Chamberland bắt đầu nhận những cuộc gọi từ khách hàng, hủy bỏ những chuyến đi họ đã đặt trước hàng tháng.
“Tôi nghĩ thật là đáng sợ vì chúng tôi lại trở thành mục tiêu”, ông Chamberland chia sẻ.
Đến cuối tháng 10, chính phủ liên bang thông báo bước tiếp theo trong chiến dịch cứu lấy loài cá voi sát thủ, bỏ ra 61,5 triệu dollar Canada để xây dựng những khu vực bảo vệ.
Tại những vùng nước này, số lượng tàu thuyền hoạt động được giới hạn và các hoạt động đánh bắt bị cắt giảm để tăng nguồn thức ăn cho cá voi. Hồi đầu năm, chính phủ cũng đã chi số tiền 167,4 triệu dollar cho các hoạt động tương tự.
Trả lời Guardian, Bộ trưởng Thủy sản Jonathan Wilkinson cho biết: “Chúng ta có nghĩa vụ, cả về mặt luật pháp và đạo đức, với nhiệm vụ gìn giữ đa dạng sinh học, làm bất cứ điều gì có thể để bảo vệ những con cá voi này. Sự suy giảm đa dạng sinh học trên toàn thế giới mà chúng ta đang thấy là cực kỳ nghiêm trọng”.
Một nhánh trong đàn cá voi sát thủ mang tên "các cư dân phía nam" ở ngoài bờ biển thành phố Seattle. Số lượng cá thể trong đàn này đang ở con số 74, thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Ảnh: AP |
Những nghiên cứu cho thấy bằng chứng về tác động của con người tới môi trường biển, trong trường hợp này đã tạo nên sự đổ lỗi cho nhau. Các ngư dân cho rằng động cơ ầm ĩ của những con tàu đưa khách đi xem cá voi là thứ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cá voi sát thủ. Trong khi đó những chủ tàu du lịch thì cho rằng việc đánh bắt quá đà và những chất thải nông nghiệp đổ xuống biển mới là nguyên nhân của thực trạng này.
Tuy nhiên giới khoa học nhận định, nguyên nhân quan trọng nhất khiến cá voi sát thủ đang bị đe dọa đến từ sự sụt giảm số lượng cá hồi Chinook, hay còn được các ngư dân gọi là “cá hồi vua”.
Trong hàng thế kỷ, hình ảnh những đàn cá voi sát thủ săn cá hồi Chinook là điều thường thấy ở dọc bờ biển tỉnh British Columbia. Những người nhập cư châu Âu thậm chí cảm thấy nhu cầu ăn cá hồi của họ bị đe dọa và từng vận động chính phủ giết bớt cá voi sát thủ, nhưng nhận sự phản ứng dữ dội từ những người da đỏ bản địa. Orca là loại cá rất linh thiêng với một bộ phận thổ dân Canada.
Tới nay, chỉ còn lại 74 con cá voi sát thủ sinh sống ở biển Salish tại Vancouver. Các nhà khoa học gọi nhóm những con cá này là “các cư dân phía nam”. Bên cạnh số lượng ít ỏi, tương lai của đàn cá này cũng không có gì tươi sáng, chưa có trường hợp sinh sản thành công nào trong suốt 3 năm qua.
Nguyên nhân ít được chú ý
Trong khi sự suy tồn của đàn cá voi sát thủ ở khu vực này khiến cho công chúng lo lắng, các nhà khoa học nhận định đàn cá hồi đang nhận được quá ít sự quan tâm, vì sự sụt giảm của chúng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến số phận của cả cá voi sát thủ và hệ sinh thái khu vực này.
Theo ước tính, những con cá voi còn lại tiêu thụ khoảng nửa tấn cá hồi Chinook mỗi năm, nhưng việc đánh bắt quá đà, suy thoái môi trường sống và nước biển ấm lên khiến cho đàn cá Chinook một thời khỏe mạnh đã sụt giảm mạnh mẽ về số lượng. Điều này cũng xảy ra với các loại cá hồi khác ở Thái Bình Dương, thậm chí kích thước của chúng cũng giảm đi. Cá hồi Chinook từng có cân nặng trung bình 45 kg, nhưng vào lúc này những con cá hồi chỉ đạt hơn 20 kg.
Cân nặng và kích thước của cá hồi Chinook đã giảm đi rất nhiều, điều này khiến cho những con cá voi sát thủ tốn nhiều sức hơn trong quá trình săn bắt. Ảnh: AP |
Cá hồi di cư trở lại vùng nước ngọt hàng năm tại cửa sông Fraser, đây cũng là nguồn đánh bắt cá hồi lớn nhất tại tỉnh British Columbia. Những con cá voi sát thủ thường xuất hiện ở đây để săn cá hồi nhưng thức ăn của chúng ngày càng hiếm hoi. Hàng triệu con cá biến mất mặc dù có những dự đoán là chúng sẽ quay trở lại.
Ông Greg Taylor, một người từng làm việc trong ngành đánh bắt và bây giờ trở thành nhà bảo tồn thiên nhiên, cho rằng hầu hết đàn cá hồi Chinook ở các khu vực của tỉnh British Columbia đang được xếp vào hạng bị đe dọa hoặc ở mức nguy cấp.
Bộ Thủy sản và Đại dương (DFO) của Canada đã cố gắng để ngăn chặn sự suy giảm của đàn cá hồi Chinook, nhưng họ đối mặt sự thiếu hụt kinh phí. Một bản ghi chép nội bộ được tiết lộ với Guardian, trong đó nói rõ chi tiết về việc bộ này không thể tiếp tục các chương trình theo dõi và bảo tồn cá hồi. Sau sự việc, ngân sách cho DFO đã được điều chỉnh để những chương trình này có thể tiếp tục, nhưng những ý kiến phê bình cho rằng điều này đang đi sai hướng.
Ông Taylor chia sẻ: “Mọi người đang có quan niệm sai lầm cho rằng nhiệm vụ của DFO là bảo tồn cá. Đó không phải là nhiệm vụ của họ, trách nhiệm của họ là bảo đảm khai thác thủy sản bền vững… Đối tượng chăm sóc của họ không phải là những con cá mà là ngành đánh bắt hải sản và du lịch biển”.
Thổ dân Canada sống dọc theo những dòng sông ở tỉnh British Columbia từ lâu đã dựa vào việc trở lại đẻ trứng hàng năm của đàn cá hồi. Điều này khiến cho họ bị ảnh hưởng nặng nề khi lượng cá hồi sụt giảm.
Ông Gerald Michel thuộc cộng đồng Xwisten ở miền Trung British Columbia chua xót kể lại: “Ở vài con sông, chúng tôi thấy số lượng cá hồi giảm từ hàng triệu xuống chỉ còn hàng nghìn con”.
Từng làm công việc quản lý đánh bắt nhiều năm, ông Michel chứng kiến nhiều hành động gây phá hoại dòng chảy, trong đó có chặt phá rừng, xây dựng đập, và cho rằng ông không tin chính phủ Canada có thể giải quyết hiệu quả vấn đề này.
Hiến pháp Canada bảo vệ quyền khai thác cá hồi trên sông của các thổ dân bản địa, nhưng rất nhiều cộng đồng dọc sông Fraser và sông Skeena đã tình nguyện giảm lượng cá hồi đánh bắt xuống còn một nửa sản lượng hàng năm.
Xác của một con cá hồi Chinook tại sông Adams thuộc tỉnh British Columbia, số lượng cá hồi trở về sinh sản đã sụt giảm mạnh trong những năm gần đây. Ảnh: Reuters |
Ông Gord Sterritt từ hiệp hội bảo tồn thượng lưu sông Fraser cho rằng: “Chúng ta đang làm không đủ trong việc giới hạn đánh bắt ở ngoài đại dương. Lượng cá hồi khai thác... là khổng lồ và năm nay cũng không phải ngoại lệ”.
Cá hồi chủ yếu sinh sống ở vùng biển lạnh hơn ngoài khơi Alaska. Khi những con tàu đánh bắt số lượng lớn khai thác ở đây, chúng cũng bắt luôn những con cá sẽ trở về sông sinh sản, điều này khiến cho quá trình sinh sản của cá hồi bị ảnh hưởng và số lượng cá sụt giảm nhanh chóng.
Cuộc chiến có thể giành phần thắng
Trong khi chính phủ hướng tới việc cấm đánh bắt cá hồi ở những khu vực cụ thể để giúp bảo đảm nguồn thức ăn cho cá voi sát thủ, một lệnh cấm tàu bè hoạt động dọc 70km bờ biển của đảo Vancouver đang khiến người dân ở những thị trấn nhỏ quanh đó hết sức lo lắng.
“Lệnh cấm sẽ nghiền nát chúng tôi, trạm xăng, nhà hàng, cửa hàng đồ uống, bến đỗ tàu thuyền, tất cả sẽ bị ảnh hưởng”, ông Dan Drover, chủ một tàu du lịch ở Cambell River cho biết. Nơi đây được mệnh danh là “thủ phủ cá hồi của thế giới” vì số lượng lớn cá hồi Thái Bình Dương.
Trao đổi với Guardian, Bộ trưởng Thủy sản Canada Jonathan Wilkinson cho biết không loại trừ khả năng lệnh cấm tàu bè hoạt động sẽ được mở rộng đến những khu vực khác. Trong mùa hè năm nay, chính phủ Mỹ đã cấm đánh bắt cá hồi tại cửa sông Columbia, lần đầu tiên kể từ rất nhiều năm.
Dọc theo bờ sông Quinsam trên đảo Vancouver, nơi có những cánh rừng rậm rạp, chính phủ Canada đã thả 4 triệu con cá hồi ra môi trường tự nhiên từ những trại giống của họ vào năm ngoái. Rất ít trong số này trở lại khi mùa sinh sản bắt đầu vào năm nay, hầu hết sẽ chết vì bị đánh bắt, bị ăn thịt bởi cá voi sát thủ, hải cẩu hoặc do nước biển ấm lên.
Trong khi các nhà khoa học cảnh báo sự phụ thuộc vào cá hồi nuôi sẽ dẫn đến sự cạnh tranh với cá hồi hoang dã, chính phủ Canada vẫn cho đây là một phương án chiến lược trong tương lai.
Một số phương án khác cũng đã được áp dụng để giúp hồi phục số lượng cá hồi và cá voi: chính phủ bắt đầu hạn chế tàu thuyền di chuyển cạnh khu vực sinh sống của cá voi sát thủ, đưa ra những yêu cầu về tốc độ và độ ổn tối đa. Một số dự án cũng được thực hiện để khôi phục dòng chảy các con sông lớn, tạo điều kiện cho cá hồi dễ trở về sinh sản.
Tiến sĩ Deborah Giles, nhà nghiên cứu cá voi tại đại học Washington ở Seattle cho rằng đây là một cuộc chiến mà chúng ta có thể dành phần thắng. Nhưng để có được điều này, chính phủ Canada cần phải chấp nhận những chính sách trước đây của họ đã thất bại, và cần có sự thay đổi căn bản về hành vi và nhận thức của mọi người.
Những hình ảnh cuối cùng của Scarlet, con cá voi 3 tuổi tinh nghịch khi nó bơi bên cạnh mẹ của mình vào ngày 7/8/2018. Ảnh: AP |
Ủy ban Cá hồi Thái Bình Dương, một cơ quan giám sát đa quốc gia, đã kêu gọi cắt giảm ngay lập tức việc khai thác cá hồi Chinook để ngăn chặn một sự sụp đổ diễn ra trong hệ sinh thái. Các nhóm bảo tồn thậm chí yêu cầu cấm hoàn toàn việc đánh bắt loài cá này.
Tiến sĩ Giles nhận định: “Thật khó để yêu cầu mọi người hãy nhìn lại bản thân mình và đòi hỏi họ sẽ làm gì để trợ giúp quá trình này. Nhiều người rất yêu thích những con cá voi, nhưng không sẵn sàng thay đổi những thói quen trong cuộc sống của họ để giúp đỡ chúng”.