Gần đây, cái chết của cá voi hoa tiêu vây ngắn tại Thái Lan đã gây bức xúc cho nhiều người. Con cá nuốt 85 túi nhựa vì tưởng nhầm là thức ăn. Nhiều cá thể rùa biển và cá nược từng thiệt mạng vì lý do tương tự. Hồi tháng 3, dân mạng sửng sốt trước đoạn video do thợ lặn người Anh Rich Horner quay khi bơi qua “biển rác” gần đảo Bali, Indonesia.
Những vụ việc đáng ngại trên khiến thế giới chú ý hơn tới thảm họa rác nhựa. Anh, Trung Quốc và Chile đã bắt đầu phản đối sử dụng túi nylon. Các doanh nghiệp như Starbucks cũng đối mặt với sức ép liên quan đến ống hút nhựa.
Tuy nhiên, tại châu Á, nơi thải ra 80% rác nhựa trên biển, những nỗ lực xử lý ô nhiễm lại không thỏa đáng, thậm chí là hầu như không tồn tại.
Cái giá của phát triển thiếu kiểm soát
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), hàng năm, khoảng 8-13 triệu tấn rác nhựa bị đổ ra biển, ước tính thiệt hại với hệ sinh thái lên tới 13 tỷ USD. Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết “hơn 1/4 lượng rác thải nhựa ở đại dương xuất phát chỉ từ 10 con sông, 8 trong số đó nằm tại châu Á”.
Rác thải chất đống tại sông ở Campuchia. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
“Năm nay, chúng tôi bắt đầu tích cực bảo vệ đa dạng sinh học biển sau khi một số thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được xác định là những chủ thể gây ô nhiễm nhiều nhất”, Tiến sĩ Theresa Mundita S. Lim, giám đốc điều hành Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN, nói.
Năm 2017, tổ chức Ocean Conservancy (Bảo tồn Đại dương) phát hiện Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan và Việt Nam thải nhiều rác nhựa ra biển hơn tất cả các nước còn lại trên thế giới cộng lại.
Tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của Đông Nam Á đi kèm với sự bùng nổ của sản xuất và tiêu dùng đồ nhựa tràn lan. Khi du lịch vươn tới cả các bãi biển hẻo lánh nhất, chai nhựa xuất hiện ở mọi nơi và ống hút đi kèm với mọi đồ uống.
Một ngày, người Thái dùng khoảng 8 túi nylon, đồng nghĩa với việc mỗi tuần, Bangkok tiêu thụ hơn 500 triệu túi. Người Singapore còn sử dụng nhiều hơn, 13 túi/ngày.
Trong khi đó, chính quyền địa phương phụ trách thu gom rác nhưng thiếu cả quỹ và kiến thức về tái chế. Rác tập trung tại bãi ngoài trời đối mặt với nguy cơ từ mưa, sạt lở và lũ lụt. Một phần đáng kể sau đó theo sông đổ ra biển.
Một ví dụ điển hình là Myanmar. Tại đây, túi nylon chất dọc sông, trôi ra biển vào mùa mưa và dạt về bãi Ngapali, địa điểm được mệnh danh là bãi tắm đẹp nhất châu Á năm 2016. “Tôi sợ rằng Ngapali sẽ bị tàn phá bởi ô nhiễm môi trường”, Ohnmar Khin, chủ khu nghỉ dưỡng Sandoway, chia sẻ.
Trẻ em nhặt chai nhựa trên sông Buriganga tại Dhaka, Bangladesh. Ảnh: Getty. |
Nhựa ở mọi nơi
Tàu Arctic Sunrise của tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh) xác nhận hạt vi nhựa tồn tại trong nước và băng Nam Cực, đồng thời phát hiện nhiều rác thải từ hoạt động đánh cá tại đây. Quỹ Ellen MacArthur dự đoán trong 30 năm tới, đại dương sẽ có nhiều nhựa hơn cá.
“Kể cả ‘vùng hoang dã rộng nhất thế giới’ cũng đã bị ô nhiễm bởi các hạt vi nhựa và hóa chất”, Louisa Casson thuộc Greenpeace cho biết.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), khoảng 640.000 tấn lưới đánh cá bị bỏ lại biển. Chúng có thể trôi xa hàng nghìn km, mắc vào động vật hoặc phủ lên san hô. 80% số lưới tìm thấy ở Australia đều bắt nguồn từ Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ASEAN gần đây mới nhận thức rõ về cuộc khủng hoảng nhựa. Đầu tháng 7, Ban thư ký tại Jakarta ra thông cáo “ASEAN tham gia phong trào chống lại ô nhiễm nhựa”.
Dù vậy, những động thái hiện nay là chưa đủ và còn rời rạc. Tiến sĩ Lim nhấn mạnh ASEAN không có chiến dịch hay cơ chế buộc các thành viên giải quyết vấn đề. Bà hy vọng hội nghị quan chức cấp cao về môi trường tại Singapore năm nay sẽ ưu tiên nội dung bảo vệ đa dạng sinh học biển.
“Vì rác thải trôi qua cả biên giới chính trị, nên ô nhiễm không thể chỉ được giải quyết ở cấp quốc gia”, tiến sĩ nói.
Phản ứng chậm trễ, nỗ lực như muối bỏ bể
Năm 2016, Indonesia thử nghiệm áp dụng phí 200 rupiah (hơn 320 VND) với túi nylon tại các thành phố lớn và giảm được 55% lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, lời phàn nàn từ người tiêu dùng đã cản trở việc mở rộng chính sách.
Malaysia cũng bắt đầu có động thái cấm hộp xốp và khuyến khích tái chế, nhưng các hộ gia đình vẫn đổ rác về các bãi thu gom không có lò đốt rác. Theo Jerker Tamelander tại UNEP, “lò đốt đóng vai trò lớn trong quá trình chuyển tiếp sang xã hội ít rác thải hơn” dù đây không phải “thuốc chữa bách bệnh” bởi chúng thải ra CO2.
Trẻ em chiếc dùng bè tự chế để thu gom chai nhựa ở bờ Vịnh Manila, Philippines. Ảnh: Reuters. |
Thái Lan đang vận hành các trạm đốt rác ở Phuket, Songkhla và Phitsanulok. Năm 2017, nước này sản xuất 171 MW từ rác thải. Mục tiêu năm 2036 là 550 MW, tương đương 2,8% tổng sản lượng điện. Tuy nhiên, tại các trang trại hải sản, rác nhựa vẫn trôi nổi. Giới chức đã đóng cửa Vịnh Maya, Phuket 4 tháng do lượng du khách quá tải và ô nhiễm. Trong khi đó, Koh Larn ở ngoài khơi Pattaya tiếp nhận 10.000 du khách mỗi ngày và chất đống 50.000 tấn rác.
Trong giai đoạn 1970-2016, lượng rác tại Singapore tăng 7 lần, đạt 8.559 tấn/ngày. Năm 2000, nước này khánh thành lò đốt lớn nhất thế giới với năng suất 4.320 tấn/ngày do Công Ty Mitsubishi Công Nghiệp Nặng xây dựng. Hoạt động đốt rác tạo năng lượng đang tạo cơ hội kinh doanh. Dự kiến nhiều cơ sở tương tự sẽ sớm xuất hiện trong tương lai.
Tuy nhiên, cải thiện công tác quản lý cùng hoạt động tái chế hiệu quả mới là cốt lõi giải quyết khủng hoảng. Quỹ Ellen MacArthur ước tính hàng năm chỉ 14% rác thải nhựa trên toàn thế giới được tái chế.
Theo Tamelander, hạt vi nhựa được tìm thấy trong hải sản ăn lọc như trai. Nhựa chứa hợp chất có hại cho con người nhưng hậu quả của việc con người tiêu thụ gián tiếp từ chuỗi thức ăn hiện chưa rõ ràng.
“Chim biển nuốt phải rác hay rùa mắc kẹt trong túi nylon đã trở thành biểu tượng cho thấy vấn đề rác thải nghiêm trọng tại đại dương, nhưng những mối nguy lớn hơn có thể đang tiềm ẩn ở nơi không hiển hiện. Khoa học mới chỉ bắt đầu khám phá vấn đề này”, Michael Gross, nhà nghiên cứu tại Anh nhận định.