Theo nội dung văn bản do BBC ngày 31/7, chính phủ Nhật Bản tin rằng vấn đề liên quan đến Biển Đông có liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định trong khu vực, và là mối quan ngại chính đáng của cộng đồng quốc tế, bao gồm Nhật Bản.
Tokyo nhất quán ủng hộ việc tuân thủ toàn diện luật pháp biển và muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực đối với các giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế mà không thông qua việc sử dụng vũ lực hay hăm dọa, nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến các vấn đề tại Biển Đông đối với tất cả các nước liên quan.
Tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post. |
Văn bản của Bộ Ngoại giao Nhật Bản được gửi trong lúc tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 cùng nhiều tàu hộ tống của Trung Quốc những ngày qua có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động coi thường luật pháp quốc tế nói trên.
“Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp đúng pháp luật”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu trong cuộc họp báo ngày 25/7.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tại hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM-52) và các hội nghị liên quan đã nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, đặc biệt là tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. Ảnh: Twitter/@rdmartinson88. |
Hà Nội cũng yêu cầu Bắc Kinh rút tàu thuyền, bao gồm cả tàu Hải dương Địa chất 8, khỏi vùng biển Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam kêu gọi "các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này".