Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ có thể trừng phạt công ty Trung Quốc vi phạm EEZ Việt Nam

Chuyên gia cấp cao của CSIS cho rằng Bắc Kinh không định từ bỏ mục tiêu biến khu vực trong đường chín đoạn thành cái hồ của riêng Trung Quốc.

Việc tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 cùng nhiều tàu hộ tống của Trung Quốc những ngày qua có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông, được xem là mức độ gây hấn mới của nước này.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động coi thường luật pháp quốc tế nói trên. “Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như đã xác lập tại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu trong cuộc họp báo ngày 25/7.

“Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp đúng pháp luật”, bà Hằng nói.

Trước đó, vào ngày 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Trung Quoc dac quyen kinh te Viet Nam anh 1
Tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc. 

Hà Nội cũng yêu cầu Bắc Kinh rút tàu thuyền, bao gồm cả tàu Hải dương Địa chất 8, khỏi vùng biển Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam kêu gọi "các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này".

Tàu dân quân Trung Quốc có hỗ trợ từ các cơ quan tỉnh

Nhận định về phản ứng của Việt Nam, ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, đánh giá động thái này cho thấy Việt Nam muốn các nước trong cộng đồng quốc tế lên án hành động của Trung Quốc bởi cho tới lúc này Mỹ là nước duy nhất đưa ra tuyên bố công khai.

Theo quan điểm của chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có thể gây áp lực lên Trung Quốc về vấn đề này tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Bangkok vào ngày 2/8 tới.

Hôm 29/7, hàng loạt nghị sĩ Mỹ, đã gửi thư hối thúc Ngoại trưởng Pompeo khi dự Diễn đàn Khu vực ASEAN hãy ưu tiên thảo luận việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông.

Bức thư kêu gọi chính quyền Mỹ quan tâm, hợp tác với các đối tác và đồng minh trước “các hành vi của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế các nước khác, việc nước này sử dụng và quân sự hóa các đảo, cấu trúc nhân tạo làm cớ để ép buộc các nước, gạt đi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh, và việc Trung Quốc gây áp lực buộc ASEAN nhượng bộ trong đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC)".

Trung Quoc dac quyen kinh te Viet Nam anh 2
Ông Murray Hiebert. Ảnh: CSIS.

Bức thư với lời lẽ mạnh mẽ đến từ các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, bao gồm Bob Menendez (bang New Jersey), Ed Markey (Massachusetts), Patrick Leahy (Vermont) và Brian Schatz (Hawaii).

“Chúng tôi kêu gọi ông hãy coi cuộc gặp tới đây ở Bangkok là cơ hội tạo đồng thuận để bảo vệ quyền của đồng minh và đối tác của Mỹ theo Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS), chấm dứt việc Trung Quốc xâm phạm quyền hợp pháp của các nước ven biển, tạo sự tôn trọng luật pháp và thể chế quốc tế, và chống lại nỗ lực của Trung Quốc nhằm phá hoại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở”, các nghị sĩ đề nghị ông Pompeo.

Bình luận thêm về các bước đi khác của Mỹ và cộng đồng quốc tế có thể thực hiện để chống lại những hành động hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, ông Murray cho rằng Washington có thể hỗ trợ các nước ở châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia… để chỉ trích hành động của Trung Quốc.

“Washington có thể thực hiện khảo sát về liệu có bất cứ công ty nào của Trung Quốc liên quan tới hoạt động ở bãi Tư Chính và nếu có thì chặn đứng các hợp tác kinh tế trong tương lai với những công ty đó” - ông đề xuất.

Theo ông, nhiều tàu dân quân Trung Quốc dường như thuộc sở hữu và vận hành bởi "các doanh nhân vốn được bảo trợ từ các cơ quan cấp tỉnh" trong khi những tàu khác do các hiệp hội nghề cá sở hữu. Tuy nhiên, chi tiết chính xác của cấu trúc sở hữu những tàu dân quân này vẫn chưa thể nắm bắt đầy đủ, thế nên một cuộc khảo sát toàn diện là cần thiết để xác định ai sở hữu những đội tàu dân quân đó.

"Hà Nội chứ không phải Bắc Kinh được hưởng đặc quyền"

"Khi xác định được chủ của những con tàu (liên quan tới hoạt động ở bãi Tư Chính) là bất cứ công ty Trung Quốc nào có làm ăn với Mỹ thì cần phải trừng phạt công ty đó để chống lại bất cứ hành động kinh tế nào như vậy tiếp diễn", ông nói. 

Trong bài bình luận trên trang The Hill hôm 28/7, giáo sư James Holmes - chủ tịch J. C. Wylie của khoa Chiến lược Hàng hải tại Đại học Naval War (Mỹ) dẫn giải thích của giáo sư danh dự Carl Thayer - chuyên gia về Việt Nam từ Đại học New South Wales (Australia), nêu rõ vùng biển quanh bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được phân định cho các nước ven biển theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

“Đặc quyền nghĩa là đặc quyền: Hà Nội, chứ không phải Bắc Kinh, được hưởng quyền duy nhất khai thác tài nguyên từ vùng biển và đáy biển bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”, giáo sư James Holmes - chủ tịch J. C. Wylie của khoa Chiến lược Hàng hải tại Đại học Naval War (Mỹ), khẳng định.

Trung Quoc dac quyen kinh te Viet Nam anh 3
Cách xác định các vùng biển của một quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo theo UNCLOS. Đồ họa: Wikimedia Commons.

Nói với Zing.vn qua email, ông Murray chỉ rõ Trung Quốc đang thúc đẩy các chính sách trơ trẽn tại Biển Đông trong nhiều năm. Họ đã hoàn thiện cải tạo và quân sự hóa phân nửa trong số một tá các đảo trong vài năm trước. Bắc Kinh gây áp lực lên các nước láng giềng trong vấn đề đánh bắt cá vào năm 2017, 2018 và gây sức ép đòi công ty Repsol và Hà Nội từ bỏ các hoạt động thăm dò ở Biển Đông. Hồi tháng 5/2018, Trung Quốc đã yêu cầu Rosneft không khoan dầu ở lô 06-01 “mà không có sự cho phép của chính phủ Trung Quốc”. Khi Rosneft tiếp tục, có vẻ như Trung Quốc đã quyết định tăng cường đối đầu", ông cho hay.

Về tham vọng ngày càng trắng trợn của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Murray nhận định Bắc Kinh nay đang quyết cho các láng giềng thấy rằng họ không còn được phép thăm dò hay khai thác dầu khí ở chính vùng biển của mình ở Biển Đông. Cũng theo vị chuyên gia, Trung Quốc thậm chí còn muốn cùng khai thác với các bên có thềm lục địa nằm trong “đường chín đoạn” mà nước này ra yêu sách.

Nhận định về sự tham gia của các tàu thương mại dân sự của Trung Quốc trong nhóm tàu Hải dương Địa chất 8 đang có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông, ông Murray cho rằng dường như Trung Quốc đang tìm cách bao biện rằng hoạt động của họ là “hòa bình” và không liên quan tới hải quân. “Có lẽ Trung Quốc cho rằng điều đó có thể xoa dịu lo ngại của những người sợ rằng đây có thể là một hoạt động quân sự”.

“Trung Quốc cũng biết rằng tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ngày 2/8 tới, họ có thể dựa vào ít nhất một quốc gia để ngăn cản bất cứ tuyên bố nào, bởi khối này cần đồng thuận để đưa ra một tuyên bố chung”.

Trung Quốc tìm cách làm nản lòng từng bước một các bên phản đối

Trong khi đó, phía Mỹ đã đưa ra một số phản ứng cụ thể. Hạ nghị sĩ Eliot Engel của bang New York, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, hôm 26/7 ra thông cáo vạch trần những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Sự hung hăng gần đây ở Biển Đông là minh chứng đáng lo ngại về một quốc gia công khai coi thường luật pháp quốc tế. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, các hành động của Trung Quốc đã cấu thành việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của Việt Nam trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ)", tuyên bố của Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện Mỹ nêu rõ.

"Cũng quan trọng không kém, hành vi của Trung Quốc đã đe dọa lợi ích của các công ty Mỹ hoạt động ở khu vực".

"Kể từ khi những thông tin xuất hiện hồi tuần trước về việc tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc đã đi vào EEZ của Việt Nam, Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu tàu Trung Quốc rời đi, nhưng Trung Quốc cố tình phớt lờ. Kiểu quấy rối này là mối đe dọa với Việt Nam, và là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng", thông cáo viết.

"Những sự cố như thế này chứng tỏ Trung Quốc đã ngang nhiên coi thường luật pháp và ngoại giao quốc tế".

Trung Quoc dac quyen kinh te Viet Nam anh 4
Hạ nghị sĩ Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ. Ảnh: AP.

"Tôi đứng về phía Việt Nam và các đối tác khác của chúng ta trong khu vực để lên án hành động hung hăng này. Cộng đồng quốc tế phải duy trì trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế. Tôi kêu gọi Trung Quốc rút ngay lập tức bất kỳ và toàn bộ các tàu khỏi lãnh hải của các nước láng giềng, và chấm dứt các chiến thuật bắt nạt bất hợp pháp này", ông Eliot Engel tuyên bố.

Trước đó, vào ngày 20/7, Washington cũng ra thông cáo chỉ trích việc Trung Quốc can thiệp vào “các hoạt động thăm dò và khai thác từ lâu của Việt Nam” trên Biển Đông.

“Mỹ quan ngại về các thông tin Trung Quốc can thiệp vào hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông, trong đó có hoạt động thăm dò từ lâu của Việt Nam (ở đây)", thông cáo viết.

"Các hành động khiêu khích liên tiếp của Trung Quốc nhắm vào hoạt động thăm dò dầu khí của các bên đe dọa tới an ninh năng lượng khu vực và ảnh hưởng tới thị trường năng lượng tự do và mở ở Ấn Độ - Thái Bình Dương", thông cáo từ người phát ngôn Morgan Ortagus nêu.

Trung Quốc cũng có các hành vi nhằm “ngăn chặn phát triển kinh tế ở Biển Đông thông qua ép buộc... không cho các nước thành viên ASEAN tiếp cận trữ lượng năng lượng trị giá 2.500 tỷ USD ở đây”, theo thông cáo.

“Trung Quốc nên dừng ngay các hành động bắt nạt và không thực hiện các hành vi khiêu khích, gây bất ổn”, người đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Nhận định với Zing.vn về những động thái tiếp theo của Trung Quốc trong khu vực, ông Murray chia sẻ: “Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục quấy rối hoạt động của Rosneft thêm một vài tuần nữa, rồi có thể rút đi với một kế hoạch quay lại sau đó”.

“Bắc Kinh không có kế hoạch từ bỏ mục tiêu biến khu vực bên trong đường chín đoạn thành một cái hồ Trung Quốc - nơi các nước khác chỉ được hoạt động nếu có thỏa thuận với Bắc Kinh. Mục đích của Trung Quốc là từng bước một làm nản lòng các bên phản đối và chỉ trích”.

'Đây là mức độ gây hấn mới của Trung Quốc trên Biển Đông'

Việt Nam đến nay có lập trường cứng rắn trong phản ứng với Trung Quốc và cũng nhất quán nhất về chính sách trên Biển Đông, theo ý kiến của nhiều chuyên gia.

'Hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là không thể chấp nhận được'

Giới quan sát khẳng định hành động của Trung Quốc là không thể chấp nhận được và cảnh báo các nước có thể mất quyền tiếp cận tài nguyên đại dương trên Biển Đông.


Đỗ Quyên

Bạn có thể quan tâm