Đồng yen bất ngờ tăng giá so với đồng USD vào chiều nay khiến thị trường nghi ngờ đã có sự can thiệp. Ảnh: Dado Ruvic/ Reuters. |
Theo Reuters, tỷ giá yen so với đồng bạc xanh đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/1990, đạt 160 JPY/USD. Tương tự, tỷ giá đồng yen so với đồng euro cũng suy giảm xuống 171 JPY/EUR. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ khi đồng tiền chung châu Âu ra đời năm 1999.
Tuy nhiên, tới phiên chiều, đồng nội tệ của Nhật Bản bỗng quay đầu tăng giá thêm 5 yen lên mức 155,57 JPY/USD. Các nhà kinh doanh tiền tệ đang đồn đoán rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã bắt đầu động thái can thiệp vào tỷ giá bằng cách bán đồng USD.
Nếu điều này đúng, đây sẽ là lần đầu tiên sau 18 tháng giới chức nước này phải thực hiện động thái điều chỉnh tỷ giá hối đoái để ngăn đồng nội tệ mất giá nhiều hơn.
Lần cuối cùng Nhật Bản can thiệp vào tỷ giá là tháng 10/2022 khi đồng yen giảm mạnh xuống mức thấp gần 152 JPY/USD. Giai đoạn này, các nhà kinh doanh tiền tệ ước tính chính phủ Nhật Bản đã phải chi tới 9.200 tỷ yen (tương đương 60,78 tỷ USD) để bảo vệ đồng tiền này.
Đà lao dốc của đồng yen xảy ra sau khi BOJ có cuộc họp dài 2 ngày cuối tuần trước. Tại buổi họp báo sau đó, Thống đốc Kazuo Ueda nói rằng đồng yen yếu không tác động đáng kể đến lạm phát cơ bản.
Thông điệp này khiến giới đầu tư dự đoán lãi suất sẽ không được tăng thêm. Trước khi Thống đốc BOJ đưa ra quan điểm trên, tỷ giá JPY/USD đã dao động quanh mức 155 JPY/USD.
Hồi giữa tháng 3, BOJ đã bỏ chính sách lãi suất âm, vốn được coi là nguyên nhân chính khiến đồng yen mất giá vài năm gần đây. Dù vậy, đến nay đã hơn một tháng, đồng tiền Nhật Bản vẫn chưa thể mạnh lên.
Đà mất giá kéo dài của đồng tiền này còn làm gia tăng những đồn đoán về việc chính phủ Nhật Bản và BOJ sẽ sớm phải can thiệp để hỗ trợ. Tính từ đầu năm đến nay, đồng yen đã mất giá hơn 10% so với đồng bạc xanh. Trong nhiều tháng trước, dù đồng tiền quốc gia lao dốc, chính quyền Nhật Bản vẫn hạn chế can thiệp.
Diễn biến tăng giá của đồng tiền Nhật Bản diễn ra ngay trước đợt đánh giá chính sách vào ngày 1/5 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các nhà đầu tư đã dự đoán sự chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục kéo dài sau một loạt dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang ở mức cao.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới vô cùng quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.