Theo The Japan Times, Nhật Bản đã tránh được suy thoái khi số liệu điều chỉnh cho thấy nền kinh tế này tăng trưởng trong quý IV năm ngoái, thay vì giảm như ước tính sơ bộ trước đó.
Cụ thể, GDP quý IV/2023 của Nhật Bản đã tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,1% so với quý trước đó. Tháng trước, ước tính sơ bộ cho thấy cả hai số liệu này đều giảm, đẩy Nhật Bản vào suy thoái khi có hai quý liên tiếp tăng trưởng âm.
Kết quả đi ngược lại dự báo đang hỗ trợ cho kịch bản Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm trong tháng này hoặc tháng tới.
Dù vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này vẫn giảm, với mức -0,3% trong quý cuối năm 2023, nhiều hơn ước tính tháng trước. Số liệu này đã đi xuống 3 quý liên tiếp.
Theo CNBC, lạm phát cao đang ghìm nhu cầu nội địa và tiêu dùng cá nhân tại Nhật Bản, khiến tăng trưởng của quốc gia này bị đe dọa. Chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản đã giảm 6,3% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất 2 năm.
Tuy nhiên, tăng trưởng được bù đắp khi đầu tư của doanh nghiệp trong quý IV/2023 được điều chỉnh từ giảm 0,1% thành tăng 2%.
Số liệu mới cũng củng cố quan điểm của BOJ rằng nền kinh tế đang phục hồi, nhờ doanh nghiệp sẵn sàng tăng đầu tư. Cộng với các tín hiệu tích cực về tăng trưởng lương năm nay, phần lớn nhà kinh tế của Nhật Bản đang đặt kỳ vọng lớn vào việc BOJ bỏ lãi suất âm trong cuộc họp diễn ra vào tháng 3 hoặc 4 tới đây.
Nếu việc chính sách tiền tệ được xoay trục sẽ là lần đầu tiên cơ quan này nâng lãi suất kể từ năm 2007. Dự kiến BOJ sẽ có cuộc họp chính sách vào ngày 18-19/3.
Đồng yen ít thay đổi sau dữ liệu công bố này, trong khi các hợp đồng hoán đổi qua đêm tại Nhật Bản lại đang biến động mạnh. Điều này cho thấy kỳ vọng của thị trường về lãi suất đảo chiều, khả năng BOJ sẽ tăng lãi suất vào tháng 3 đang rất khả quan.
Hiện trọng tâm đang dồn vào các cuộc đàm phán về lương hàng năm giữa các công ty và liên đoàn lao động, sẽ lên đến đỉnh điểm với kết quả công bố từ Tổng Công đoàn Nhật Bản (Rengo) vào thứ Sáu (15/3), cũng là ngày làm việc cuối cùng trước khi BOJ bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày.
Tổng Công đoàn Nhật Bản đã yêu cầu mức tăng lương trung bình lớn nhất kể từ năm 1993, ở mức 5,85% so với yêu cầu tăng 4,49% một năm trước.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đàm phán tiền lương như một chất xúc tác cho chu kỳ tiền lương-giá cả hàng hoá ổn định; báo hiệu mục tiêu về giá đã đạt được để cho phép hệ thống các ngân hàng bình thường hóa chính sách.
Thủ tướng Fumio Kishida được cho là vẫn đang theo dõi xu hướng tiêu dùng và tiền lương như một chìa khóa để đánh giá liệu cuối cùng đất nước đã vượt qua được tình trạng giảm phát hay chưa. Thủ tướng hiện có kế hoạch gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo công đoàn trong tuần này để có động thái cuối cùng.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới vô cùng quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.
Nhiều tập đoàn New Zealand muốn đầu tư vào Việt Nam
Các doanh nghiệp New Zealand quan tâm đến chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, nhất là trong phát triển hạ tầng, nhập khẩu thực phẩm, phát triển nông nghiệp bền vững.
Sáng nay Phó thủ tướng họp với doanh nghiệp bất động sản về luật mới
Cuộc họp có sự tham dự của đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông...
Sáng 11/3, giá vàng trong nước giữ xu hướng đi ngang trong bối cảnh giá vàng thế giới đi xuống. Riêng giá vàng nhẫn tại một số doanh nghiệp đã tăng vượt mốc 71 triệu đồng/lượng.