Thủ tướng Phạm Minh Chính tại tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu New Zealand và thế giới ngày 11/3 . Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Ngày 11/3, tại Thủ đô Wellington, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu của New Zealand và thế giới trên nhiều lĩnh vực nhằm tìm hiểu tiềm năng, nhu cầu và khả năng hợp tác đầu tư Việt Nam - New Zealand.
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp New Zealand đều cho biết rất quan tâm về chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, nhất là trong phát triển hạ tầng; nhu cầu và khả năng hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ; nhập khẩu thực phẩm; phát triển nông nghiệp bền vững, công nghệ cao…
Làm rõ một số nội dung phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết trong năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam lập kỷ lục về sản lượng, năng suất với kim ngạch xuất khẩu 4,78 tỷ USD, tăng 36,6% so với năm trước.
"Hiện Việt Nam đang triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Gần đây nhất, tập đoàn gạo SunRice của Australia đã cam kết tham gia chương trình này", Bộ trưởng nói.
Trước đề xuất của Biolumic - tập đoàn công nghệ sinh học hàng đầu thế giới có trụ sở tại New Zealand - về áp dụng các giải pháp sử dụng ánh sáng để tăng cường năng suất và chất lượng lúa, Bộ trưởng Hoan cho biết sẵn sàng giới thiệu, kết nối các tập đoàn của New Zealand với các đối tác Việt Nam để thực hiện ý tưởng này.
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
"Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược, nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thể chế. Do đó, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai bên còn rất nhiều dư địa", Thủ tướng nhìn nhận.
Nhận định cản trở, khó khăn lớn nhất trong hợp tác giữa hai nước là khoảng cách về địa lý, Thủ tướng cho rằng để khắc phục, thời gian tới hai bên cần nghiên cứu mở lại đường bay thẳng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giao thương; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và các phương thức kết nối trực tuyến…
Thủ tướng đề nghị chính phủ, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp của New Zealand đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư; mở cửa thị trường để tận dụng tối đa các hiệp định thương mại song phương... ; xem xét gỡ bỏ những rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam, nhất là đối với nông sản, thủy sản.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp New Zealand hợp tác đầu tư với Việt Nam bằng các chương trình, dự án cụ thể trong các lĩnh vực như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, linh kiện điện tử, ôtô điện, sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới...
Hiện, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 1,3 tỷ USD. Đến tháng 11/2023, New Zealand có 52 dự án đầu tư với tổng số vốn hơn 208 triệu USD, đứng thứ 39/143 quốc gia và lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Không phải ai cũng có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với những doanh nhân, tỷ phú, những nhà quản lý doanh nghiệp nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, vẫn có cách để chúng ta tiếp cận, tìm hiểu về câu chuyện kinh doanh, cuộc đời, kinh nghiệm của các doanh nhân, tỷ phú nổi tiếng thông qua sách.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách doanh nhân - nơi chia sẻ những cuốn sách, câu chuyện về cuộc đời và kinh nghiệm của các tỷ phú, nhà quản lý nổi tiếng thế giới. Tủ sách không chỉ bao gồm các cuốn sách, câu chuyện từ tác giả độc lập mà còn bao gồm những cuốn sách do chính các tỷ phú viết về cuộc đời mình. Tủ sách doanh nhân mong muốn gửi tới độc giả các câu chuyện, góc nhìn về những cá nhân thành công nhất trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời mong muốn lan tỏa tri thức, phát triển văn hóa đọc cho người Việt.