Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (sinh năm 1970), hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Hàng không Vietjet - Vietjet Air, bà đang nắm giữ gần 47,5 triệu cổ phiếu VJC (8,76% vốn). Bà Thảo còn đồng thời là Phó chủ tịch HĐQT HDBank với 93,6 triệu cổ phiếu HDB trong tay. Nữ doanh nhân gốc Hà Nội cũng chính là nữ tỷ phú USD đầu tiên và duy nhất của Việt Nam hiện nay, khối tài sản ròng hiện tại của bà Thảo được Forbes ước tính vào khoảng 2,2 tỷ USD. Ảnh: Vietjet. |
Bà Trương Thị Lệ Khanh (sinh năm 1961), Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn. Bà được Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất năm 2019. "Bà trùm" xuất khẩu cá tra này đang sở hữu 79,1 triệu cổ phiếu VHC (hơn 42% vốn), cùng gần 5,5 triệu cổ phiếu (76,72%) tại CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang. Năm 2023, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt hơn 10.000 tỷ đồng, vốn hóa đạt hơn 16.900 tỷ đồng. Ảnh: VHC. |
Bà Cao Thị Ngọc Dung (sinh năm 1957) hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Bà Dung hiện cũng là cổ đông lớn tại PNJ với khoảng 9,3 triệu cổ phiếu nắm giữ, tương đương giá trị gần 900 tỷ đồng. Năm 2023, dưới sự điều hành của bà Cao Thị Ngọc Dung, PNJ ghi nhận doanh thu đạt hơn 33.000 tỷ đồng. Hiện, PNJ cũng là một trong những nhà bán lẻ vàng bạc, trang sức lớn nhất cả nước với 400 cửa hàng bán lẻ tại 55/63 tỉnh thành. Theo VNDirect, PNJ cũng đang chiếm hơn 50% thị phần trang sức trong nước. Ảnh: PNJ. |
Bà Thái Hương (sinh năm 1958) là Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, đồng thời là Tổng giám đốc BacABank. Năm 2022, bà được Forbes bầu là nữ doanh nhân trong danh sách 50 phụ nữ nổi bật trên 50 tuổi tại châu Á - Thái Bình Dương. Hiện thương hiệu sữa tươi TH True MILK chiếm khoảng 45% thị phần ngành hàng sữa tươi tại Việt Nam với 170 loại sản phẩm, mở rộng thị trường ra Trung Quốc và các nước ASEAN. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Bà Mai Kiều Liên (sinh năm 1953) hiện là Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk. Bà được coi là "nữ tướng" ngành sữa Việt Nam khi đã giữ vai trò cao nhất trong Ban điều hành Vinamilk hơn 30 năm. Bà được Forbes bình chọn là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á từ năm 2012 đến năm 2014. Sau hơn ba thập niên dưới sự lèo lái của bà Liên, Vinamilk hiện là một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, khoảng 6 tỷ USD. Vinamilk cũng là nhà sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam với quy mô 140.000 con bò sữa và 15 trang trại, 16 nhà máy sản xuất, xếp hạng 36 công ty sữa toàn cầu theo doanh thu. Năm 2023, Vinamilk đạt trên 60.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 9.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Ảnh: VNM. |
Bà Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1955), thường được biết đến với tên gọi “Madame Nga”. Hiện tại, bà Nga đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, một trong những tập đoàn đa ngành tư nhân lớn nhất cả nước. BRG hiện hoạt động ở các lĩnh vực tài chính ngân hàng, bất động sản, sân golf, bán lẻ, xuất nhập khẩu. BRG cũng là doanh nghiệp thuộc liên danh phát triển dự án Tòa tháp tài chính 108 tầng tại Đông Anh (Hà Nội) với tổng mức đầu tư lên tới 4,2 tỷ USD. Bà Nga hiện cũng là Phó chủ tịch thường trực tại SeABank. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh (sinh năm 1952) là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh REE. Dưới sự lãnh đạo của bà Thanh, từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, REE đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cơ điện, chiếm 30% thị phần cả nước. Doanh thu năm 2023 của doanh nghiệp đạt hơn 8.500 tỷ đồng, vốn hóa đạt gần 26.000 tỷ đồng. Tại REE, bà Thanh nắm giữ hơn 12% vốn doanh nghiệp, lượng cổ phần có giá trị hơn 3.100 tỷ đồng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Bà Huỳnh Bích Ngọc (sinh năm 1962) giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa. Bà là vợ của doanh nhân nổi tiếng Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công. Trong giới kinh doanh, bà Ngọc nổi tiếng với biệt danh “nữ hoàng mía đường”. Công ty của bà Ngọc hiện là doanh nghiệp mía đường lớn nhất cả nước với hơn 46% thị phần, vốn hóa xấp xỉ 9.900 tỷ đồng. Ảnh: TTC Group. |
Bà Đặng Huỳnh Ức My (sinh năm 1981) là "ái nữ" của ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc. Bà My đang điều hành CTCP Thành Thành Công - Biên Hoà với vai trò Phó chủ tịch HĐQT và nắm giữ trực tiếp hơn 120 triệu cổ phiếu SBT. Ngoài ra, bà còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thành Thành Công - doanh nghiệp sở hữu hàng chục công ty thành viên trong lĩnh vực bất động sản, du lịch, nông nghiệp… và chuỗi doanh nghiệp mía đường lớn nhất cả nước. Ảnh: TTC Agris. |
Bà Chu Thị Bình (sinh năm 1964) là Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú, doanh nghiệp được mệnh danh là "vua tôm" Việt Nam. Hiện, bà Bình nắm giữ hơn 35 triệu cổ phiếu MPC, tương đương 17,56% vốn doanh nghiệp. Trên thương trường, Minh Phú là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước. Năm 2023, Minh Phú đạt doanh thu gần 11.000 tỷ đồng. Ảnh: Trương Khởi. |
Không phải ai cũng có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với những doanh nhân, tỷ phú, những nhà quản lý doanh nghiệp nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, vẫn có cách để chúng ta tiếp cận, tìm hiểu về câu chuyện kinh doanh, cuộc đời, kinh nghiệm của các doanh nhân, tỷ phú nổi tiếng thông qua sách.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách doanh nhân - nơi chia sẻ những cuốn sách, câu chuyện về cuộc đời và kinh nghiệm của các tỷ phú, nhà quản lý nổi tiếng thế giới. Tủ sách không chỉ bao gồm các cuốn sách, câu chuyện từ tác giả độc lập mà còn bao gồm những cuốn sách do chính các tỷ phú viết về cuộc đời mình. Tủ sách doanh nhân mong muốn gửi tới độc giả các câu chuyện, góc nhìn về những cá nhân thành công nhất trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời mong muốn lan tỏa tri thức, phát triển văn hóa đọc cho người Việt.