Trong 2 năm liên tiếp, lạm phát của Nhật đã ở mức bằng hoặc cao hơn mục tiêu 2% mà ngân hàng trung ương đưa ra. Ảnh: BFSI. |
Theo The New York Times, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) vừa thông báo nâng các mức lãi suất ngắn hạn lên 0-0,1%, thay vì -0,1% như trước. Dù vậy, mức lãi vẫn được BOJ duy trì quanh 0%, do đà phục hồi kinh tế còn yếu ớt.
"Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 2/2007. Chính sách lãi suất âm, kết hợp với các biện pháp khác để bơm tiền vào nền kinh tế và giữ chi phí đi vay ở mức thấp hiện đã hoàn thành vai trò của mình”, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda nói với truyền thông nước này.
Ông Kazuo Ueda lý giải thêm rằng BOJ thấy được lạm phát ở mức 2% sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới.
Hiện cơ quan này vẫn đặt mục tiêu lạm phát là 2% và dùng làm thước đo để đánh giá liệu Nhật Bản cuối cùng có thoát khỏi giảm phát hay không. Nhưng BOJ vẫn rất thận trọng về việc “bình thường hóa” chính sách tiền tệ hoặc chấm dứt lãi suất âm.
Động lực tăng lãi suất sau 17 năm
Trước đây, BOJ đưa lãi suất cho vay xuống dưới 0% nhằm thúc đẩy tín dụng và nền kinh tế trì trệ của đất nước. Cùng với đó, lãi suất huy động cũng ở mức âm, tương tự chính sách mà ngân hàng trung ương ở một số nước châu Âu cũng đã áp dụng.
Nhưng gần đây, nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Lạm phát sau nhiều năm ở mức thấp đã tăng tốc và được củng cố bởi mức tăng lương của người lao động.
Cả hai đều là manh mối cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đang trong quá trình tăng trưởng bền vững hơn. Điều này cho phép ngân hàng trung ương bớt thắt chặt lãi suất - chính sách đã được BOJ duy trì liên tục trong nhiều năm bất chấp các ngân hàng trung ương lớn khác phải tăng mạnh lãi suất để đối phó với lạm phát.
BOJ kết luận rằng nền kinh tế Nhật Bản đang ở trong một “chu kỳ lành mạnh” giữa tiền lương và giá cả. Điều này có nghĩa là tiền lương tăng đủ để bù đắp cho giá cả tăng, nhưng không quá nhiều để làm mất lợi nhuận kinh doanh của các doanh nghiệp. Số liệu mới nhất cho thấy chỉ số lạm phát ở Nhật Bản dừng ở mức 2,2% trong tháng 1 năm nay.
BOJ cũng đồng thời bãi bỏ các chính sách mua trái phiếu chính phủ, cũng như các quỹ đầu tư vào bất động sản hoặc theo dõi cổ phiếu để kiểm soát lãi suất thị trường. Cơ quan này khuyến khích các doanh nghiệp và hộ gia đình vay vốn với lãi suất rẻ.
Nhật Bản đã giữ lãi suất âm do tình trạng giảm phát làm suy giảm tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Kimimasa Mayama/Shutterstock. |
Ở nhiều quốc gia, lạm phát gia tăng đã gây khó khăn cho người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách, nhưng Nhật Bản vẫn đang phải vật lộn với tình trạng giảm phát làm suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Việc loại bỏ lãi suất âm được cho là sẽ giúp củng cố giá trị đồng yen, vốn đang rất yếu ớt. Điều này được các nhà đầu tư xem là một bước quan trọng trong sự thay đổi chính sách của Nhật Bản.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản với chỉ số Nikkei 225 cũng cho thấy tín hiệu lạc quan khi phá vỡ mức kỷ lục tồn tại từ năm 1989. Nguyên nhân tới từ sự lạc quan của nền kinh tế và cải cách từ các doanh nghiệp đem tới lợi ích cho cổ đông.
Trước đó, thị trường cũng đặt cược nhiều về việc tăng lãi suất của BOJ sau cuộc đàm phán lương vào tuần trước. Các doanh nghiệp lớn nhất nước này đã đồng ý tăng lương cho người lao động lên mức cao nhất 33 năm.
Tăng trưởng tiền lương bứt tốc là một dấu hiệu quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách. Bởi điều này chứng tỏ nền kinh tế Nhật Bản đã đủ mạnh để tạo ra lạm phát và có thể chịu được mức lãi suất cao hơn.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đang hút lượng lớn vốn đầu tư của nước ngoài. Ảnh: Euro News. |
Tín hiệu đáng mừng
Động thái nới lỏng lãi suất của BOJ có ý nghĩa quan trọng vì đây là ngân hàng trung ương lớn cuối cùng thoát khỏi chính sách lãi suất âm.
Trước đó, BOJ cùng các ngân hàng trung ương ở Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sĩ và khu vực đồng euro đã cùng đẩy lãi suất xuống dưới 0%. Điều này có nghĩa là người gửi tiền sẽ phải trả tiền cho ngân hàng để giữ tiền của họ và các tổ chức tài chính sẽ được nhận ít hơn số tiền họ cho vay.
Chính sách này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra vào năm 2008. Tới năm 2019, Thụy Điển đã chấm dứt chính sách lãi suất âm và tới 2022 thì các ngân hàng trung ương khác ở châu Âu cũng làm theo.
Mặc dù có động thái nới lỏng lãi suất nhưng BOJ đề nghị sẽ thực hiện việc thay đổi chính sách một cách "chậm mà chắc". Cơ quan này cho rằng việc tăng lãi suất quá nhanh có thể dập tắt sự tăng trưởng kinh tế trước khi nó kịp diễn ra.
So với Nhật Bản, hiện lãi suất mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra vẫn cao hơn 5 điểm % và của ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cao hơn 4 điểm %. Điều này giúp các nhà đầu tư Nhật Bản thu khoản lợi nhuận hấp dẫn hơn ở nước ngoài, ngay cả trong trường hợp Fed và ECB dự kiến cắt giảm lãi suất vào năm nay.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.