Trong hơn một thập niên gần nhất, sự phát triển của ngành cơ khí Việt Nam đã góp phần không nhỏ giúp các ngành công nghiệp khác giảm phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.
Hiện trong nước đã có một số địa phương, vùng kinh tế đã hình thành được các cụm cơ khí chế tạo lớn. Ngành cơ khí cũng ghi nhận một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ra ngoài khu vực.
Không chỉ đóng góp vào việc cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước, đà phát triển nhanh của ngành cơ khí trong những năm qua với nhiều sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, cũng góp phần vào việc gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa này ra thế giới.
Năm sụt giảm đầu tiên sau hơn 10 năm tăng trưởng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị xuất khẩu của nhóm ngành cơ khí gồm máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đã tăng nhanh trong những năm qua, đạt tốc độ bình quân 26%/năm suốt giai đoạn 2010-2022, từ mức hơn 3 tỷ USD năm 2012 lên tới gần 45,8 tỷ USD năm 2022.
Sự phát triển của ngành cơ khí trong nước giai đoạn này đã thu hẹp chênh lệch giá trị giữa xuất khẩu và nhập khẩu của ngành cơ khí. Từ mức giá trị xuất khẩu ngành hàng cơ khí chỉ tương đương 1/4 giá trị nhập khẩu năm 2010, chênh lệch này đã thu hẹp về mức tương đương trong năm 2022.
Giá trị xuất khẩu ngành cơ khí Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng “thần tốc” trong hơn một thập niên qua và luôn nằm trong top 3 ngành hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất.
Giá trị xuất khẩu ngành cơ khí Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng “thần tốc” trong hơn một thập niên qua. Ảnh: Việt Linh. |
Tuy nhiên, năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong nước, các nền kinh tế lớn đối mặt nguy cơ suy thoái, cùng sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng toàn cầu… ngành cơ khí Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường bị thu hẹp, sức tiêu thụ giảm, giá nguyên vật liệu tăng…
Kết quả là giá trị xuất khẩu ngành cơ khí đã sụt giảm sau hơn một thập niên tăng trưởng nhanh liên tiếp.
Cụ thể, năm 2023, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu cả nước đạt khoảng 354,7 tỷ USD, giảm gần 5% so với năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm gần 6%, đạt gần 43,2 tỷ USD.
Không riêng ngành cơ khí, khó khăn chung của thị trường cũng khiến giá trị xuất khẩu của một loạt nhóm hàng hóa quan trọng như điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm từ gỗ… sụt giảm trong năm qua.
Với nhóm ngành cơ khí, dù ghi nhận năm đầu sụt giảm, tổng giá trị xuất khẩu năm vừa qua vẫn cao hơn 13% so với năm 2021. Cho thấy đà suy giảm năm ngoái đến từ tác động chung của thị trường, phản ánh những khó khăn mà hoạt động xuất, nhập khẩu Việt Nam gặp phải năm qua.
Tín hiệu tích cực
Sau năm 2023 được đánh giá là khó khăn với ngành công nghiệp nói chung và ngành cơ khí nói riêng, Tổng cục Thống kê cho biết, điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa ngành cơ khí là giá trị xuất khẩu đã có xu hướng phục hồi về các tháng cuối năm.
Theo đó, trong quý IV/2023, giá trị xuất khẩu bình quân nhóm hàng hóa ngành cơ khí đã đạt trên 4 tỷ USD/tháng, tăng gần 10% so với quý III và cao hơn 24% so với 2 quý đầu năm.
Tháng 1/2024 giá trị xuất khẩu hàng hóa đã đạt 4,02 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác cũng là một trong những nhóm hàng hóa có giá trị xuất khẩu có chiều hướng tăng tích cực. Trước những tín hiệu này, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê đều đưa ra đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu công nghiệp, cơ khí trong nước có nhiều điểm sáng để hồi phục nhanh và phát triển trong năm nay.
Sức cầu của các nền kinh tế thế giới đang ghi nhận xu hướng phục hồi, kim ngạch nhập khẩu từ các nền kinh tế lớn tăng, những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, Châu Âu… đã có tín hiệu tăng trưởng trở lại.
Các doanh nghiệp cơ khí đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2023 và dự báo khó khăn còn kéo dài sang năm 2024. |
Chia sẻ tại sự kiện thúc đẩy phát triển ngành cơ khí mới đây, TS Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam cho biết, cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, quan trọng cho việc phát triển các ngành công nghiệp khác, là then chốt cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tuy vậy, các doanh nghiệp cơ khí đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2023 và dự báo khó khăn còn kéo dài sang năm 2024.
Từ thực trạng này, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam đề xuất một số giải pháp để hỗ trợ ngành cơ khí phục hồi nhanh, như rà soát lại các nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm, tạo ra thị trường và bảo vệ thị trường nội địa cho các doanh nghiệp trong nước thông qua các Luật và văn bản dưới Luật.
Ông Hào cũng đề xuất Chính phủ sớm sửa lại Luật Đấu thầu theo hướng có lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước, có quy định mới để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn tài chính.
Bộ cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký để đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: Việt Linh. |
Ngoài ra, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam cũng cho rằng từ phía doanh nghiệp cũng cần tự đầu tư theo hướng “chuyên môn hoá sâu, hợp tác hóa rộng”.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp cơ khí, Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, từ đó đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Đồng thời, Bộ cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký để đẩy mạnh xuất khẩu.